Thách thức
Theo số liệu của Bộ Công Thương đưa ra trong một hội thảo gần đây, khoảng 30% doanh nghiệp (DN) tận dụng được ưu thế thuế quan từ các FTA. Đa số DN Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội, xuất khẩu chưa nhiều và nhập khẩu thì “dữ dội” hơn. Trong khi đó, các DN nước ngoài đang nhanh chóng tràn vào nước ta khi mức thuế suất các mặt hàng sản phẩm nhập khẩu giảm dần theo thời gian.
Đơn cử, trong FTA giữa ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), DN trong nước tận dụng khá tốt xuất khẩu sang Hàn Quốc. Nhưng ngược lại, chúng ta đang phải đối phó với hàng hóa của họ tràn sang tranh giành thị trường. Theo cam kết đến năm 2018, có 90% dòng sản phẩm nhập khẩu thuế suất bằng 0%, liệu các sản phẩm công nghiệp hóa mới của Việt Nam có cạnh tranh nổi?
Một điểm bán trái cây ở TPHCM. Từ sau năm 2015, trái cây ngoại sẽ tràn ngập thị
trường Việt Nam, cạnh tranh với trái cây nội ngay trên sân nhà. Ảnh: HỒNG THÚY
Vụ chè bẩn, rồi thương nhân Trung Quốc sang thuê đất trồng khoai lang, thương nhân nước ngoài ồ ạt gom nguyên liệu thô mới đây càng cho thấy DN trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài. Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà.
Liên kết và tận dụng hàng rào kỹ thuật
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tương lai sẽ không sáng sủa nếu các DN không thức tỉnh ngay từ bây giờ. Hoặc là DN cạnh tranh để tồn tại hoặc là “đầu hàng”, đỡ phải tốn công sức. Vì vậy, chính các DN phải tự nỗ lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn, các DN phải phấn đấu đạt được các điều kiện về tiêu chuẩn sản phẩm cho cả thị trường trong nước và nước ngoài. Các hiệp hội DN trong cùng ngành hàng phải tăng cường liên kết, tăng năng lực cạnh tranh.
Về phía Nhà nước, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật phi thuế nhằm ngăn chặn hàng chất lượng kém, hàng xấu từ bên ngoài vào. Khi hàng rào về thuế không còn, hàng rào kỹ thuật do Nhà nước lập chính là công cụ để kiểm soát, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng… Thực tế, các mặt hàng nhập khẩu đã được bảo hộ, ưu đãi từ nước ngoài nên khi tràn vào nước ta sẽ có ưu thế cạnh tranh hơn; có thể lấn át một số DN, ngành trong nước... Mặt khác, người tiêu dùng đôi khi phải trả giá oan cho những mặt hàng ngoại nhưng có nhiều nhân tố độc hại.
Bình luận (0)