xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lương tăng chậm hơn giá

BÙI VĂN - HOÀNG LÊ

Các khoản phụ cấp nhà ở, xăng xe, chuyên cần, tiền thưởng... thực chất là tiền lương nhưng các chủ doanh nghiệp tách ra, không đưa vào hợp đồng lao động nhằm tiết giảm nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động

Kể từ ngày 1-10-2011, mức lương tối thiểu (LTT) vùng cho cả doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ được tăng lên theo Nghị định 70/CP của Chính phủ. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng chỉ mang tính chất tình thế trong bối cảnh giá cả tăng nhanh, thu nhập của công nhân (CN) và người lao động (NLĐ) trong các DN không theo kịp.

Đau ốm, việc riêng là thiếu hụt, nợ nần

Theo Nghị định 70/CP, mức tăng trong cả 4 khu vực cũng chỉ từ 1,4 - 2 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức chi phí sinh hoạt tối thiểu của NLĐ hiện nay phải trên 3 triệu đồng/tháng. Do đó, mức nâng lương này cũng chưa thể góp phần bảo đảm đời sống của NLĐ.

img
Với đồng lương bèo bọt, công nhân các khu công nghiệp chi tiêu hết sức dè sẻn cho bữa ăn,
không đủ tái tạo sức lao động.
Ảnh: THANH NHÀN

Một vòng qua các khu công nghiệp (KCN) ở Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Long An, tâm trạng chung của nhiều CN khi tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động là mừng ít lo nhiều. Mức tăng này, xét cho cùng, cũng không đáng kể so với vật giá sinh hoạt cứ lừng lững mà tiến. Tiếp xúc với lãnh đạo TPHCM vào ngày 14-5 vừa qua, cán bộ chuyên trách Công đoàn Công ty Kollan - KCX Linh Trung 1 nhìn nhận: “Chấp nhận cuộc sống tha hương, ngoài mong muốn có việc làm nuôi sống bản thân, CN còn mong muốn có chút ít tiền gửi về cho gia đình. Với mức lương hiện nay, CN không lo nổi cho bản thân”.

Thử làm một bài toán nhỏ về thu nhập của một CN trong các KCN với điều kiện được bảo đảm việc làm, sẽ thấy họ đối mặt khó khăn ra sao: Thu nhập hằng tháng (kể cả tăng ca, tiền ăn trưa, chuyên cần...) từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, họ phải trang trải chi phí nhà trọ, điện nước khoảng 800.000 đồng, tiền ăn mỗi ngày dè sẻn lắm cũng hết 30.000 đồng, các chi phí sinh hoạt cá nhân khác đều gói ghém đến mức tiết kiệm nhất mới có thể dư ra được vài trăm ngàn đồng ít ỏi để gửi về quê phụ giúp gia đình. Nếu có đám tiệc của người thân hay họ đau ốm, bệnh hoạn, chắc chắn họ lâm vào túng thiếu. Nếu bị đau ốm hoặc có việc riêng phải nghỉ, số tiền bị trừ cũng chiếm phân nửa tổng thu nhập.

Thủ thuật bình quân hóa tiền lương

Không khó để lý giải vì sao tiền lương và thu nhập của CN hiện nay còn rất thấp, không bảo đảm đời sống của họ? Bởi đông đảo chủ DN dân doanh và DN FDI đều chăm chăm nhìn vào LTT để hành xử sao cho có lợi nhất. Để không phạm luật là trả lương thấp hơn LTT, họ bình quân hóa tiền lương ở mức chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với LTT, từ đó kéo theo hệ lụy là lương thấp, thiệt thòi quyền lợi chính đáng, lâu dài của NLĐ.
Theo cảnh báo của các chuyên gia lao động, do các DN thâm dụng lao động thường sử dụng lao động trẻ và trả lương thấp nên NLĐ không có tích lũy, đến khi họ lập gia đình lại không đủ điều kiện giải quyết những nhu cầu tối thiểu khác với chi phí cao hơn, dẫn đến cả một thế hệ NLĐ sẽ nghèo khó, kiệt sức sau nhiều năm đóng góp làm giàu cho DN.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, cho rằng bữa ăn giữa ca cũng như các khoản phụ cấp nhà ở, xăng, chuyên cần, tiền thưởng... thực chất là tiền lương nhưng được các chủ DN tách ra, không đưa vào hợp đồng lao động nhằm tiết giảm nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ.

Ngay trong từng loại hình DN, tiền lương và quản lý tiền lương cũng đã có sự bất cập, thiếu bình đẳng. TS Lê Thanh Hà, Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng bất cập rõ nhất là LTT chưa thống nhất giữa các loại hình DN.

Ở DN Nhà nước, ngoài việc trả lương theo thang bảng lương do Nhà nước quy định, tùy theo kết quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động còn được áp dụng hệ số điều chỉnh không quá 3 lần so với mức LTT nên NLĐ có thể có mức lương cao gấp nhiều lần so với các loại DN khác. Cùng một ngành nghề, làm việc trên cùng một địa bàn nhưng lương của NLĐ ở DN  Nhà nước làm ăn có lãi cao gấp 2 – 3 lần DN FDI và dân doanh.
Nhiều DN dân doanh và DN FDI có xây dựng thang bảng lương nhưng chủ yếu là để đối phó với cơ quan quản lý bằng cách chia thành nhiều bậc lương, khoảng cách giữa các bậc lương có khi chỉ từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng, dẫn đến tình trạng mỗi lần tăng lương NLĐ cũng chỉ được tăng ở mức rất thấp.
Mức LTT hiện nay cũng đang được áp dụng để  đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, song với mức đóng này thì NLĐ sau mấy chục năm làm việc, khi về hưu sẽ nhận được khoản lương hưu quá ít ỏi. Đặc biệt, với điều kiện sống thiếu thốn, cường độ lao động cao, đa số NLĐ không có điều kiện nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, đến khi tuổi cao, sức yếu, bị mất việc thì NLĐ cũng  không biết lấy gì sinh sống. Hậu quả nặng nề này xã hội phải gánh chịu!

Kỳ tới: Những hệ lụy buồn

Hiện cả nước có 260 KCN, trong đó có 173 KCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 1,6 triệu lao động. Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức thu nhập phổ biến của NLĐ tại các KCN chỉ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Ngân hàng, dầu khí hưởng lương cao nhất

Năm 2010, Bộ LĐ-TB-XH điều tra về tiền lương tại 1.581 DN có từ 10 lao động trở lên và 14.451 NLĐ trong các loại hình DN ở 15 tỉnh, TP, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ. Kết quả cho thấy: Tiền lương bình quân của NLĐ là 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng 10,3% so với năm 2009. Một số ngành trả lương cao là: mỏ, luyện kim với mức bình quân khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng; ngân hàng với mức lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng; dược với mức bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng/người/tháng… Những ngành có mức lương bình quân chỉ đạt 2,1 triệu - 2,3 triệu đồng/người/tháng là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…. Chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý so với lao động giản đơn của DN FDI năm 2006 ở mức 9 đến 10 lần nhưng đến năm 2010 khoảng cách này là 20 đến 21 lần; DN trong nước có mức chênh lệch này thấp hơn, chỉ từ 7 đến 8 lần.

Còn theo báo cáo mới nhất của Đảng ủy khối DN Trung ương: Thu nhập của NLĐ ở các đơn vị thuộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2011 có mức khá cao so với bình quân cả nước, từ 5 triệu - 12 triệu đồng/người/tháng.
Thu nhập cao nhất là các ngân hàng, trong đó, lao động thuộc các ngân hàng Công Thương, Ngoại thương có thu nhập bình quân 15 triệu - 18 triệu đồng/tháng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là 16,2 triệu đồng. Các tập đoàn có thu nhập bình quân thấp gồm Tổng Công ty Cà phê: 2,3 triệu đồng/tháng; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin): 3,5 triệu đồng/tháng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam: 3,7 triệu đồng/tháng và các đơn vị xây dựng có mức chi trả cho NLĐ trung bình 4 triệu - 4,5 triệu đồng/tháng.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo