Ngày 21-9, giá vàng trong nước tăng nhẹ quanh mốc 47 triệu đồng/lượng. Lúc 13 giờ, giá tăng lên 47,18 triệu đồng/lượng (bán ra). Cùng lúc, giá vàng thế giới là 1.810 USD/ounce, tương đương 45,47 triệu đồng/lượng. Tính ra giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 1,7 triệu đồng/lượng.
Cung nhiều, giá vẫn cao
Còn nhớ, trong cơn “bão giá” vàng hai ngày 8 và 9-8, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng, có lúc chênh lệch lên tới gần 3 triệu đồng/lượng. Sau khi NH Nhà nước cho nhập 5 tấn vàng (ngày 9-8), thị trường vàng trong nước dịu xuống và khoảng cách với giá thế giới được rút ngắn. Cơn “bão giá” lần hai bắt đầu âm ỉ từ ngày 19-8, kéo dài đến ngày 24-8, đỉnh của giá vàng được lập hơn 49,3 triệu đồng/lượng. Thời điểm này giá vàng trong nước thường cao hơn giá thế giới trên dưới 1 triệu đồng/lượng, sau đó tăng lên 2 triệu đồng/lượng. Chỉ đến khi NH Nhà nước tuyên bố sẽ cho nhập vàng không giới hạn, chênh lệch giá trong nước – thế giới mới được rút ngắn xuống trên dưới 500.000 đồng/lượng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, thị trường vàng trong nước ổn định trở lại nhưng khoảng cách giá trong nước – thế giới tiếp tục được nới rộng. Nhiều ngày, giá trong nước cao hơn giá thế giới trên dưới 2 triệu đồng/lượng bất chấp trước đó, trong tháng 8, NH Nhà nước đã cấp phép cho một số DN vàng nhập khẩu lên tới 15 tấn. Đến ngày 19-9, NH Nhà nước cấp phép tiếp cho DN kinh doanh vàng nhập thêm 4 tấn nữa. Chưa kể thời gian qua, khi giá trong nước cao hơn thế giới từ 1-2 triệu đồng/lượng, tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới diễn ra khá phổ biến. Nếu kể cả lượng vàng nhập lậu ồ ạt qua biên giới, nguồn vàng cung ra thị trường khá dồi dào.
“Vàng nhập chưa về tới đã bán hết”?
Theo các DN kinh doanh vàng, lực mua quá mạnh của người dân là nguyên nhân góp phần làm giá trong nước khó cân bằng với giá thế giới...
Tuy nhiên, theo một số người am hiểu thị trường vàng, nguyên nhân giá trong nước bị đẩy lên cao là do giá thế giới biến động quá mạnh với biên độ lên tới 50-100 USD/ounce/ngày, buộc DN trong nước phải “thủ” bằng cách đẩy giá trong nước lên cao, chuyển rủi ro cho người mua vàng. “Giá vàng không có gì bất ổn, chỉ là biến động quá mạnh khiến các DN trong nước “trở tay không kịp”, giá vàng trong nước không theo kịp đà tăng, giảm của giá thế giới” - đại diện một DN vàng tại TPHCM phân trần.
Một số ý kiến còn đặt vấn đề phải chăng một số DN vàng lớn đã phải nhập vàng khi giá quá cao nên giờ phải đẩy giá trong nước lên để bớt lỗ? Ngoài ra, thời điểm từ giữa tháng 5 đến tháng 7-2011, các DN trong nước ồ ạt xuất khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng nữ trang và nguồn vàng này được lấy từ vàng dự trữ. Đến nay, khi giá vàng thế giới tăng cao, lực mua vàng trong nước cũng tăng mạnh, nguồn vàng trong kho cạn kiệt cũng góp phần làm giá trong nước khó sát giá quốc tế.
Tự trói mình? Theo tổng giám đốc một DN vàng, hiện trong các NH còn một lượng vàng khổng lồ huy động từ người dân nhưng không được tung ra thị trường do yêu cầu mới của NH Nhà nước. Trước đây, khi có cơn sốt vàng, các DN vàng có thể vay vàng của các NH để cung ứng ra thị trường nhưng nay “cửa” này đã bị bịt lại. Sốt giá, NH Nhà nước chỉ có thể can thiệp bằng cách cấp quota nhập vàng. Thế nhưng cấp quota nhập vàng cũng theo kiểu “giật cục”: Cao cho nhập - thấp lại... không cho! |
Bình luận (0)