Ông Võ Văn Út (bìa phải) và những tài liệu quý của dòng họ Võ Văn
Trong chuyến công tác tại huyện đảo Lý Sơn mới đây cùng TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, tôi được ông cho tiếp cận và giải thích toàn bộ gần 60 trang tài liệu gốc bằng chữ Hán, chữ Nôm và bản gia phả đã được dịch sang tiếng Việt nói về dòng họ Võ Văn ở xã An Vĩnh.
Dòng họ Võ Văn có cai đội Võ Văn Khiết, một chỉ huy đội dân binh Hoàng Sa can trường năm xưa, được TS Vũ phát hiện là người có mặt sớm nhất tại quần đảo này vào năm 1786.
Lưu truyền trong con cháu
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Võ Văn trên đảo Lý Sơn, cho biết: “Hàng trăm năm nay, tất cả tài liệu về các bậc tiền nhân liên quan đến đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều được dòng họ tôi giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Mỗi năm, cứ vào dịp tế Xuân tháng 2 âm lịch, các tài liệu này mới được vị trưởng tộc kính cẩn đem ra giảng giải, lưu truyền trong con cháu, nhằm giáo dục truyền thống của dòng họ, ghi nhớ công lao của các thế hệ cha ông ngày trước”.
Ông Út, ngay từ lúc chập chững biết đi, đã được cha anh mình kể lại những giai thoại về các bậc tiền nhân trong dòng họ - những vị cai đội Hoàng Sa nổi tiếng năm xưa như Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Võ Văn Hùng…, cùng hàng trăm dân binh của Lý Sơn đã quên mình bỏ mạng nơi biển Đông.
Tuy là một người lao động bình thường nhưng ông Út luôn tâm niệm mình là lớp con cháu, là hậu duệ của các bậc tiền nhân đáng tự hào như vậy nên việc gìn giữ những tài liệu quý cùng truyền thống của dòng họ, gia đình là trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng.
Nhiều năm nay, ông đã cố gắng bảo quản những “báu vật” của gia đình, qua đó kỳ vọng góp phần khẳng định chủ quyền của nước ta từ xa xưa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Tôi tự hào mình là con cháu của dòng họ Võ Văn. Tiền nhân chúng tôi là những người khởi đầu cho các chuyến thuyền cưỡi sóng ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền đất nước” – ông Út nói.
Tiên phong đến Hoàng Sa
TS Nguyễn Đăng Vũ kể lại: “Khi tiếp cận các trang tài liệu do ông Võ Văn Út giữ gìn và cung cấp, tôi hết sức bất ngờ và vui mừng”.
Để chứng minh những điều ghi trong các tài liệu này, TS Vũ đã mất nhiều công sức tra cứu và nhờ người dịch từ chữ Hán, Nôm sang tiếng Việt.
“Cuối năm 2007, khi tiếp cận được tờ chỉ thị của Thượng tướng công thời Tây Sơn năm 1786 và phả hệ Võ Văn do chính Võ Văn Khiết lập ngày ngày 19-6-1806, cũng như từ các tài liệu dòng họ khác trên đảo Lý Sơn, tôi mới đủ bằng chứng xác định về dòng họ Võ Văn và cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết”- TS Vũ cho biết.
Từ những báu vật của ông Võ Văn Út, TS Vũ đã chứng minh khác với nhận định trước đó của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử cũng như sử sách triều Nguyễn ghi chép về đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn, dòng họ Võ Văn mới thực sự có người tiên phong, có mặt sớm nhất tại Hoàng Sa.
TS Vũ cho biết sử sách ghi lại rằng hơn 200 năm trước, tổ tiên của 13 dòng họ tiền hiền trên đảo Lý Sơn đã vâng mệnh triều đình nhà Nguyễn, căng buồm cưỡi sóng ra Hoàng Sa để đo đạc hải trình, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật.
Gia phả và sử sách ghi chép về đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải còn lưu giữ tại một số nhà thờ họ tiền hiền trên đảo Lý Sơn nêu năm 1815, cai đội Phạm Quang Ảnh là người đầu tiên được triều đình cử đưa dân binh ra Hoàng Sa để thực hiện các nhiệm vụ này, tiếp theo đó là các cai đội: Võ Văn Khiết, Phạm Hữu Nhật, Đặng Văn Siểm, Võ Văn Hùng, Phạm Văn Nguyên…
Là người có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với con người và lịch sử trên đảo Lý Sơn, TS Vũ nhận thấy dòng họ Võ Văn tuy có nhiều người tham gia đội dân binh Hoàng Sa nhưng trên bia mộ và sử sách ít lưu danh và ghi khắc tên tuổi.
Với việc phát hiện, giải mã tài liệu quý của dòng họ Võ Văn trên đảo Lý Sơn vừa qua, TS Vũ đã chứng minh thủy tổ của dòng họ này đã vâng mệnh triều đình dong buồm đến Hoàng Sa từ hơn 200 năm trước và người tiên phong ra quần đảo này chính là cai đội Võ Văn Khiết, sớm hơn gần 30 năm so với cai đội Phạm Quang Ảnh.
Tiếp nối truyền thống
Tại nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn, hàng trăm trang tài liệu cổ còn ghi rõ: Mỗi năm, các dòng họ trên đảo phải cắt cử một người mưu trí song toàn, tinh thông địa hình, giỏi bơi lội cử làm đội trưởng (cai đội) cùng 70 suất đinh nhận lệnh vua ban sung vào đội dân binh lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ.
Đã có hàng trăm cai đội cùng hàng ngàn dân binh trên đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa, trong đó chỉ lưu danh một số cai đội can trường như Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Đặng Văn Siểm, Phạm Văn Nguyên…
Theo phát hiện mới của TS Vũ, tư liệu lưu giữ tại dòng họ Võ Văn không chỉ đề cập cai đội Võ Văn Khiết từng vâng mệnh triều đình ra Hoàng Sa từ năm 1786 mà còn lưu danh ông với vai trò là vị cai đình trông coi đình An Vĩnh vào năm 1803.
“Sau gần 20 năm làm cai đội Hoàng Sa, ông Võ Văn Khiết trở về địa phương và được giao trông coi đình làng. Tiếp đó, con trai trưởng của ông là cai đội Võ Văn Phú cũng được triều đình phong tước Cai cơ thủ ngự cửa biển Sa Kỳ kiêm quản đội Hoàng Sa, tiếp tục nối nghiệp cha” – TS Vũ giải thích.
“Với dòng họ Võ Văn, đây là một phát hiện rất quan trọng. Từ nay, chúng ta có thể khẳng định và chứng minh Võ Văn là dòng họ có công đầu tiên trong việc thiết lập đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa. Không rõ trong đời bôn ba biển cả của mình, cai đội Võ Văn Khiết đã bao nhiêu lần ra Hoàng Sa nhưng có điều chắc chắn rằng, chính nhờ công trạng nhiều nên khi trở về quê, ông được dân đảo tín nhiệm bầu giữ đình An Vĩnh, một chức vị quan trọng trong thời kỳ phong kiến ở địa phương” – TS Vũ nhận xét.
Theo TS Vũ, trong Đại Nam thực lục chính biên có đoạn viết: Phú Nhuận hầu, kiêm thử ngự cửa biển Sa Kỳ Võ Văn Phú đảm nhận nhiệm vụ mộ dân tái lập đội Hoàng Sa, bảo vệ chủ quyền.
Sau tiền nhân Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, các thế hệ con cháu dòng họ Võ Văn vẫn tiếp tục cưỡi sóng ra khơi giữ đảo, giữ biển và truyền thống này luôn được tiếp nối.
Nhiều năm qua, TS Vũ đã phát hiện thêm nhiều tư liệu khẳng định truyền thống đó của tộc họ Võ Văn.
“Nội dung tờ lệnh đóng dấu triện của hai vị quan bố chánh và án sát tỉnh Quảng Ngãi do ông Đặng Lên (hậu duệ ông Đặng Văn Siểm) hiến tặng cho Nhà nước năm 2009 ghi rõ chức danh và công trạng những người tham gia hải đội Hoàng Sa. Theo gia phả họ Võ Văn, ông Võ Văn Hùng cũng là một trong những người con của cai đội Võ Văn Khiết. Chính sử triều Nguyễn ghi lại nhiều lần ông Võ Văn Hùng được giao nhiệm vụ dẫn đường cho hải đội ra Hoàng Sa đo hải trình cắm mốc chủ quyền. Ngoài ra, ông còn đảm nhận việc tuyển chọn dân binh ra Hoàng Sa, trong đó có hai em trai mình là Võ Văn Công, Võ Văn Sanh”- ông Vũ cho biết.
Góp phần khẳng định chủ quyền đất nước
Hàng chục năm nghiên cứu về Lý Sơn và đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, TS Nguyễn Đăng Vũ cho rằng tìm hiểu, khẳng định vai trò của các dòng họ trên đảo có người sung đội dân binh Hoàng Sa là một việc làm cần thiết, vừa ghi nhận vai trò và công lao của các dòng tộc vừa khẳng định chủ quyền từ lâu của nước ta trên hai quần đảo ở biển Đông.
“Việc phát hiện, giải mã những trang tài liệu quý còn lưu giữ tại dòng họ Võ Văn đã phần nào làm phong phú thêm kho tư liệu về đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn; đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của nước ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”- TS Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định.
Mô hình chiếc thuyền mà cai đội Võ Văn Khiết chỉ huy dân binh ra Hoàng Sa |
Bình luận (0)