Tại cuộc họp báo ngày 26-9, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch giá xăng dầu.
Sẽ công khai kết quả kiểm tra
Việc công khai, minh bạch và xóa độc quyền kinh doanh xăng dầu sẽ giúp hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh: Tấn Thạnh
Liên quan đến đề nghị của báo giới về việc công bố phép tính cho kết quả Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lãi 780 đồng/lít xăng chưa kể 300 đồng lợi nhuận định mức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp một lần nữa khẳng định tính chính xác của phép tính này: “Chúng tôi tính toán dựa vào kết quả lấy doanh thu trừ chi phí ra lợi nhuận. Tính toán lỗ, lãi trong kinh doanh xăng dầu khá đơn giản. Nhưng con số cụ thể thế nào, Bộ Tài chính đang chờ kết quả của 3 đoàn kiểm tra tại 4 DN lớn, dự kiến kết thúc vào cuối tuần sau. Kết quả này sẽ được công khai”.
Thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công
Tại cuộc họp, Chính phủ đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu về lạm phát của các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Các nghiên cứu được tiến hành độc lập nhưng đều thống nhất đánh giá lạm phát của Việt Nam ở mức rất cao, kéo dài trong nhiều năm và nguyên nhân quan trọng nhất gây ra lạm phát là tiền tệ. Đó là hậu quả của việc đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp; đầu tư nhiều hơn tiết kiệm dẫn đến tăng trưởng tín dụng cao, trung bình mỗi năm khoảng 30%.
Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ khẳng định trước mắt, tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, kiểm soát nghiêm ngặt tỉ giá để không tái diễn tình trạng “đô la hóa”. “Lãi suất tăng 1% kéo theo lạm phát tăng 0,03% nhưng tỉ giá tăng 1% sẽ kéo theo lạm phát thật tăng 2%. Do đó, việc giữ ổn định tỉ giá rất quan trọng” - Bộ trưởng Vũ Đức Đam phân tích.
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ giảm khoảng 3% đối với cả hai chỉ tiêu quan trọng của chính sách tiền tệ là tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán so với kế hoạch đề ra là 20% và 16%. Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cung cấp thêm thông tin trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ đề án quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đề án này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và cho ý kiến. Trước biến động của giá vàng trong nước những ngày qua, Ngân hàng Nhà nước đã cấp quota nhập khẩu để tăng nguồn cung, ổn định giá.
Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy lạm phát tháng 9 đã dịu đi, chỉ tăng 0,82% và là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, CPI tăng dưới một con số. GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 5,67%, tốc độ tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ. Chín tháng đầu năm, cả nước có thêm 57.800 DN đăng ký kinh doanh với tổng số vốn lên tới 363.700 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Lãi suất đã giảm và có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao, rất ít người vay được vốn lãi suất 17%. Sản xuất khó khăn nên hàng tồn kho nhiều, DN khó tiếp cận vốn. Do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng hợp lý không chỉ được thực hiện trong năm nay mà sẽ kéo dài trong những năm tới nhằm ổn định vĩ mô. |
Bình luận (0)