Trong khi các lực lượng đang dồn sức cứu đê ở khu vực kênh 7 (xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú - An Giang) thì tối 28-9, vỡ đê đã xảy ra tại xã Bình Long, huyện Châu Phú.
Thi nhau vỡ, nứt
Đoạn đê sạt lở nhanh chóng bị nước lũ phá rộng ra, dòng nước xiết cuồn cuộn đổ vào đồng ruộng, nhấn chìm hơn 110 ha lúa. Các lực lượng cứu hộ được huy động tới hiện trường nhưng đành bất lực. Chưa hết, tin báo khẩn cấp lại được chuyển đến từ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú nên lực lượng cứu hộ tức tốc lên đường tiếp ứng nhưng khi đến nơi thì gần 500 ha lúa cũng đã chìm trong biển nước.
Khẩn trương cứu đê bị vỡ tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên - An Giang
Sáng 29-9, thêm một tuyến đê khác tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên - An Giang bị vỡ, nước lũ ào ạt đổ về đồng khiến hàng trăm người phải dùng cừ tràm đóng cọc thành hàng để vá lại. Trong khi tham gia cứu đê, anh Huỳnh Văn Tùng (SN 1985, dân quân tự vệ) đã bị rắn độc cắn chết.
Nghiêm trọng nhất là vụ vỡ đê tại tiểu vùng các kênh 10, 11, 12 thuộc xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú. Một đoạn đê lớn đã bị đánh vỡ khiến hơn 630 ha lúa bị nhấn chìm.
Tại các huyện đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, nước lũ vẫn tiếp tục đe dọa hàng ngàn hecta lúa vụ 3. Tuyến đê bao Chín Kheo (xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng) bị nước lũ đục khoét một lỗ với đường kính hơn 1 m. Hàng trăm người đã tham gia ứng cứu và phải vài giờ sau, lỗ thủng mới được khắc phục. Tương tự, một đoạn đê dài hơn 10 m thuộc tuyến đê bao bờ Đông kênh Cây Dương (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) đã bị nước lũ làm nứt, lực lượng cứu hộ phải dùng bạch đàn đóng trụ và đắp thêm đất mới cứu được.
Nghiêm trọng hơn lũ năm 2000
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng, mực nước lũ đo được tại đây (theo cách tính mốc của huyện) vào chiều 29-9 là 5,5 m, cao hơn hôm trước 21 cm. Mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 4,78 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 4,3 m. Dự báo, mỗi ngày lũ tăng thêm từ 5-15 cm.
UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Theo đó, UBND huyện Tân Hồng tập trung phương tiện, lực lượng bảo vệ an toàn đê bao thị trấn Sa Rài; UBND các huyện, thị xã, TP nắm số lượng máy đào (kobe), ghe tàu có tải trọng lớn (từ 20 tấn trở lên) để khi cần thiết trưng dụng vào công tác phòng chống lũ; giám đốc Sở GD – ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, THCS cho học sinh nghỉ từ ngày 29-9 đến 8-10.
Cùng ngày, UBND tỉnh An Giang đã có cuộc họp khẩn để bàn giải pháp ứng phó với lũ. Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận định lũ năm nay hết sức phức tạp, thậm chí còn nghiêm trọng hơn năm 2000. Tuy nhiên, nhờ chủ động đưa dân vào hơn 200 cụm - tuyến dân cư vượt lũ nên giảm đáng kể thiệt hại về người. “Tình hình còn rất căng thẳng nên chúng tôi đã ban bố tình trạng lũ lụt khẩn cấp để huy động mọi nguồn lực phòng chống” – ông Thạnh lo lắng.
Theo ông Thạnh, An Giang sẽ xem xét giải pháp tạm đóng 2 đập tràn xả lũ Tha La và Trà Sư nhằm giảm bớt áp lực lũ vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên.
Thiếu tướng Lê Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân khu 9, khẳng định sẵn sàng điều hàng ngàn quân từ các địa phương khác chi viện cho tỉnh An Giang quyết liệt chống lũ, bảo vệ sản xuất, đặc biệt là an toàn tính mạng của người dân.
Đường hư, nhà ngập Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, đã có hơn 1.000 căn nhà bị ngập, xiêu vẹo; nhiều tuyến giao thông nông thôn bị hư hỏng do lũ. Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa thể thống kê chính xác số lượng nhà dân bị ảnh hưởng do lũ nhưng ước tính không dưới 2.000 căn. Nước lũ đã tràn qua nhiều tuyến giao thông nông thôn, đe dọa Tỉnh lộ 843 từ Tràm Chim Tam Nông về huyện Tân Hồng; tuyến Tỉnh lộ 842 (đoạn từ Km 10 đến Km 14) bị tràn qua 6 nơi; tuyến Tỉnh lộ 843 (đoạn từ Km 32+300 đến Km 32+800) bị sạt lở kè… |
Bình luận (0)