Theo Nghị định 68/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007 về minh bạch thu nhập, tài sản có hiệu lực từ ngày 30-9, cán bộ Nhà nước từ cấp lãnh đạo xã, phường trở lên sẽ phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, đơn vị mình. Thời điểm công khai tài sản được thực hiện từ ngày 31-12 đến ngày 31-3 năm sau.
Vướng Luật Phòng chống tham nhũng
Thanh tra Chính phủ đang tổ chức tập huấn cho các cơ quan, đơn vị phía Bắc thực hiện Nghị định 68 và dự kiến sắp tới sẽ triển khai tại khu vực phía Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 29-9, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Vụ phó Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng Nghị định 68 đã đưa ra chế tài cụ thể đối với những trường hợp kê khai gian dối, không trung trực về tài sản của mình, cao nhất là giáng chức hoặc cách chức.
Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những sáng kiến phòng chống tham nhũng
Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có trách nhiệm tự kê khai thông tin theo mẫu và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, sự trung thực. Việc kê khai bổ sung theo định kỳ hằng năm được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động tổng thu nhập trong kỳ kê khai từ 50 triệu đồng trở lên hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập phải kê khai theo quy định. Căn cứ vào tình hình cụ thể, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định công khai bằng hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết bản kê khai tại trụ sở làm việc của cơ quan.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc bản kê khai tài sản, thu nhập nên được công khai mở rộng ra cộng đồng cho người dân và giới truyền thông, báo chí nắm để nâng cao tính giám sát. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc này chưa thể thực hiện được bởi vướng Luật Phòng chống tham nhũng. Luật này quy định bản kê khai tài sản phải được lưu cùng với hồ sơ cán bộ. Mà hồ sơ cán bộ xưa nay được xếp vào diện bí mật Nhà nước. Điều này khiến việc công khai rộng rãi sẽ được tính tới trong tương lai nếu Quốc hội đồng ý xem xét sửa Luật Phòng chống tham nhũng.
Một kẽ hở trong Nghị định 68 mà cơ quan xây dựng - Thanh tra Chính phủ - cũng thấy rõ nhưng thừa nhận phải mất một thời gian nữa mới có thể “bịt” được việc quan chức xé nhỏ tài sản cho vợ, con cái - nhiều người lại chưa đủ tuổi thành niên. Đó là chưa tính tới quan chức gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài. Những kẽ hở này, theo ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, sẽ được Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu để tìm ra biện pháp, công cụ ngăn chặn hiệu quả trong thời gian tới.
Ủy ban MTTQ giám sát
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, cho rằng việc giám sát các bản kê khai cần được thực hiện khít khao hơn nữa với sự tham gia của nhiều tầng lớp, đối tượng. Lâu nay, MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành giám sát trước mỗi đợt bầu cử Quốc hội hay xuất hiện thông tin tố giác người ứng cử và được đề cử. Trong Nghị định 68 lần này, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được mở rộng. Các cơ quan này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Khi tiếp nhận các phản ánh của người dân, MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi không trung thực trong kê khai, thu nhập. Đối với cá nhân cư trú ở xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các thành viên của MTTQ xã, phường, thị trấn có quyền phát hiện, kiến nghị xử lý hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, có dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập.
Ngoài ra, Nghị định 68 còn bổ sung căn cứ để xác minh tài sản, thu nhập khi có kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra về trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến hành vi tham nhũng.
Ai phải kê khai tài sản, thu nhập? - Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. - Cán bộ, công chức từ phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên. - Giám đốc, phó giám đốc, viện trưởng, phó viện trưởng, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng khoa, phó trưởng khoa, bác sĩ chính tại các bệnh viện, viện nghiên cứu của Nhà nước. - Tổng biên tập, phó tổng biên tập, kế toán trưởng, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng ban, phó trưởng ban báo, tạp chí có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước. - Bí thư, phó bí thư Đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND xã, phường, thị trấn; trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự xã; cán bộ địa chính - xây dựng, tài chính - kế toán của UBND xã, phường, thị trấn... |
Bình luận (0)