xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơm áo không đùa với giáo viên!

Vu Gia

Giáo viên phải chật vật lo kiếm sống thì làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ của kỹ sư tâm hồn

Dư luận đang lo lắng về tương lai đất nước vì điểm thi tuyển ĐH ngành sư phạm quá thấp. Nhiều trường ĐH lấy bằng điểm sàn vẫn chưa đủ chỉ tiêu, phải cậy đến NV2, 3 mà vẫn thiếu. Thậm chí có trường hợp TS trúng tuyển vào ngành sư phạm lịch sử với điểm thi sử 0,25 - nghĩa là không hơn gì TS nộp giấy trắng!

Cách đây mấy năm, khi Nhà nước miễn học phí cho ngành sư phạm thì chen được một suất không phải dễ. Ai nấy đều mừng, bởi có thầy giỏi mới có được trò giỏi chứ làm gì có chuyện “cha mẹ cú đẻ con tiên”. Lý giải thực trạng nói trên, có người cho rằng giáo viên đã bão hòa. Nếu quả thật như thế thì chúng ta cần phải xem xét lại. Nhu cầu xã hội đã không còn thì đào tạo làm gì cho tốn kém công sức, tiền của của nhân dân. Nhưng ý kiến đó không đúng.
Vừa qua, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, phản ánh với báo chí là “những năm gần đây luôn thiếu giáo viên do các trường sư phạm trên địa bàn đào tạo theo xu hướng đa ngành, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên nguồn tuyển giảm”. Ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cũng có ý tương tự: “Khi làm đề án nâng cấp Trường CĐ Sư phạm TPHCM lên ĐH, sở tham mưu nâng cấp thành Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết chỉ cho phép thành lập trường ĐH đa ngành chứ không thành lập trường chuyên ngành sư phạm. Nếu có trường chuyên đào tạo sư phạm thì nguồn cung cấp giáo viên cho TP sẽ dồi dào hơn, tình trạng thiếu giáo viên sẽ không dai dẳng như hiện nay”.

Được biết, trên địa bàn TPHCM có Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn không bỏ thế mạnh của mình là ngành sư phạm. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng có Khoa Giáo dục… Nếu “chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên nguồn tuyển giảm” thì rõ là Bộ GD-ĐT quan liêu không nắm bắt được nhu cầu học của những người chủ tương lai của đất nước. Nhưng sự thể kỳ tuyển sinh năm nay, về số lượng cũng như chất lượng đầu vào của một số ngành sư phạm thì giải thích thế nào đây?

Từ xưa đến nay, ai chọn nghề dạy học đều vì yêu nghề và chấp nhận sự thanh bần. Nhưng đồng lương giáo viên hiện nay có đủ điều kiện cho thầy cô giáo sống “thanh” hay không? Chắc chắn là không, nên “đói đầu gối phải bò, cái chân phải chạy, cái giò phải đi”. Nếu không dạy thêm thì làm thêm một nghề khác để nuôi sống bản thân, gia đình.
Ngày 17-11-2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân được phong tặng danh hiệu và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Nghe tin này, ai cũng mừng vì có danh sư mới có cao đồ, mà muốn có danh sư thì ngoài việc được chọn lựa kỹ từ những học sinh giỏi và được đào tạo bài bản còn phải có trách nhiệm chăm lo thật tốt cuộc sống của đội ngũ giáo viên để họ toàn tâm toàn ý cho việc đào tạo. Thế nhưng, năm 2010 đã đi qua và chưa có giáo viên nào có thể sống được bằng đồng lương của mình. Giáo viên phải chật vật lo kiếm sống thì làm sao thực hiện tốt nhiệm vụ của kỹ sư tâm hồn!

Phải chăng đó là những nguyên nhân làm cho các học sinh giỏi không ai muốn làm thầy cô giáo, dù đó là nghề cao quý?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo