Vụ bắt giữ 700 người trên cầu Brooklyn ở New York (Mỹ) cuối tuần qua như đổ dầu thêm vào ngọn lửa giận dữ của những người biểu tình đang đóng trại tại một công viên ở quận Manhattan.
Đồng thời, hành động đó của nhà chức trách đã làm dấy lên sự ủng hộ ở nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ khi cuộc vận động Occupy Wall Street đã bước sang tuần thứ ba.
Những người biểu tình lên tiếng chống lại thói ham danh lợi tập thể, sự bất bình đẳng xã hội, tình trạng thay đổi khí hậu và những mối quan tâm khác. Cô giáo Denise Martinez cho biết hầu hết học trò của cô ở Brooklyn, đều sống ở mức nghèo khó hoặc ở dưới mức này.
Cô nói: “Đó là những người lao động tương lai của nước Mỹ. Vậy mà chúng đang dần dần phải vướng vào các vấn đề như thất nghiệp, tội ác”.
Đồng thời, cô đổ lỗi cho trung tâm tài chính Wall Street đã gây ra các vấn đề về tài chính của nước Mỹ. Cô cho rằng cần phải có nhiều hành động hơn nữa để giải quyết những vấn đề đó.
Cuộc biểu tình Occupy Boston trước tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang ở thành phố Boston,
bang Massachusetts hôm 2-10. Ảnh: AP
Các giới chức thành phố New York cho rằng những người biểu tình sẽ giải tán nhưng thực tế lại diễn ra ngược lại. Sinh viên Kira Moyer-Sims, 19 tuổi, ở Portland bang Oregon, khẳng định: “Chúng tôi sẽ ở lại đây cho đến khi nào có thể”.
Cảnh sát New York tiếp tục tăng cường tuần tra thường xuyên trong khu vực. Người phát ngôn của Sở Cảnh sát New York, ông Paul Browne, nhấn mạnh: “Như mọi khi, nếu đó là cuộc biểu tình hợp pháp, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho họ. Nhưng nếu họ phạm luật, chúng tôi sẽ bắt họ”.
Ngoài vụ bắt 700 người kể trên, cảnh sát cũng đã bắt khoảng 100 người hôm 24-9 khi những người biểu tình tuần hành đến những khu vực khác ở New York và gây căng thẳng với cảnh sát.
Tổng cộng có 21 địa điểm khắp nước Mỹ diễn ra các cuộc phản đối. Các cuộc biểu tình giống như ở Phố Wall, New York với các tên gọi như Occupy Los Angeles, Occupy Chicago, Occupy Boston đã được tổ chức trước các tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang tại những thành phố đó. Một số người ở thành phố Columbus, bang Ohio còn tuần hành trên các đường phố.
Ngoài ra, sự ủng hộ cũng đã dâng cao ở bên ngoài nước Mỹ. Ở Canada, một cuộc tụ tập đông người đã được hoạch định cuối tháng này tại Toronto.
Biểu tình rầm rộ tại nhiều nước châu Âu
Ngày 2 - 10, khoảng 35.000 người đã đổ ra các đường phố tại thành phố Manchester, Tây Bắc nước Anh, để biểu tình phản đối việc cắt giảm ngân sách. Cuộc biểu tình này do Trung tâm Nghiệp đoàn (TUC) tổ chức.
Cùng ngày, tại Bồ Đào Nha, gần 200.000 người cũng đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà chính phủ nước này áp dụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Bồ Đào Nha, có khoảng 130.000 người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Lisbon và 50.000 người tại thành phố cảng Porto.
Trong khi đó, tại Hungary, Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cũng đang phải trải qua một “mùa thu nóng bỏng” về phương diện xã hội khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, cắt giảm an sinh, thắt lưng buộc bụng, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao... khiến ít nhất 50.000 người dân nước này tham gia biểu tình trong suốt 3 ngày qua tại thủ đô Budapest và dự tính sẽ còn diễn ra đồng loạt trên khắp cả nước và kéo dài vô thời hạn. |
Bình luận (0)