Hiện nay, ngẫm đi ngẫm lại những cái tên được tôn vinh danh ca và tạo dấu ấn trong lòng khán giả chỉ có NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Sang, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Mỹ Châu… Tất cả họ đều là bậc “trưởng bối” trong nghệ thuật sân khấu. “Tre già nhưng măng chưa mọc” là điều đáng lo ngại. Nhiều người cho rằng danh ca có thể đào tạo bằng trường lớp. Vì thế cứ cho đi học ở trường là có được danh ca. Thực tế lại chứng minh ngược lại.
Đào tạo là có?
Trường lớp có thể cho “ra lò” nghệ sĩ hát cải lương. Tuy nhiên, để tạo ra danh ca là chuyện không thể. Vì để trở thành danh ca, ngoài yếu tố năng khiếu, quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm còn cần sự chứng nhận của giới mộ điệu.
Từ trái sang: NSƯT Lệ Thủy, NSND Thanh Tòng, NSƯT Nam Hùng trong vở Giấc mộng đêm xuân
Nhìn lại thế hệ vàng sân khấu cải lương trước đây có thể thấy cách thể hiện chất giọng của họ không nằm nhiều ở kỹ thuật mà chủ yếu là ca chân phương, rõ chữ, đầy hơi. Cái chuẩn của cách ca vọng cổ chính là yếu tố mộc mạc, giàu cảm xúc.
Như với cách ca của cố NSND Út Trà Ôn, chỉ với hai bài vọng cổ nhịp 16 Tôn Tẩn giả điên và Tình anh bán chiếu đã được nhận xét là mang lại hơi hướng mới, giàu tiềm năng.
“Chính vì không có ai khám phá cách như anh Mười (tên gọi thân quen mà giới sân khấu gọi cố NSND Út Trà Ôn) nên anh mới là người tiên phong ca tiết tấu nhanh, vuốt chữ hò, liu, xang nhẹ nhàng. Chính những dấu nhấn ấn tượng của anh đã làm cho câu vọng cổ thanh thoát, rứt khỏi nét bi lụy theo kiểu ca chậm chạp của nhịp 8 như ông Tám Thưa, cô Tư Sạng, cô Năm Cần Thơ, ông Năm Nghĩa đã ca trước đó” - soạn giả Kiên Giang khẳng định.
Trả cải lương về chuẩn mực
Thời gian qua, một số giọng ca hay được biết đến qua cuộc thi trên truyền hình, truyền thanh nhưng con đường đưa họ trở thành danh ca bị tắc nghẽn giữa chừng, có người rời khỏi sân khấu chuyên nghiệp. Phân tích điều này, soạn giả Viễn Châu khẳng định: “Vì họ bị rơi vào cái thế rời bỏ sự chuẩn mực của cách ca vọng cổ”.
Theo NSND Thanh Tòng, một số nghệ sĩ trẻ còn buộc dàn nhạc theo mình, tác giả bị sửa lời ca, muốn ca hơi dài thì tùy hứng, muốn viết thêm vài trăm chữ cho một câu vô vọng cổ là tùy thích. Từ 7 nhạc cụ trong một dàn nhạc cơ bản: kìm, cò, guitar phím lõm, sáo, tranh, bầu, trống, nay gia giảm chỉ còn 4, thậm chí còn 3. Như vậy, diễn viên trẻ nào muốn có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm trở thành danh ca đã không có điều kiện để trau dồi khi mà đàn organ thay thế cả tiếng kìm, bầu, sáo, tranh.
“Dì ruột của tôi, bà Năm Phỉ, ngày xưa nếu thiếu tiếng đờn cò của anh Chín Trích (thân phụ nghệ sĩ Tú Trinh) thì bà ca không hay. Có suất hát phải trả vé nếu dượng Chín (ông là chồng của bà Chín Bia, em ruột cố NSND Bảy Nam) của tôi bị bệnh phải nghỉ ở nhà. Nói như thế để biết tìm một danh ca thời nay rất khó khi mà người hát xem nhẹ người đờn”- NSƯT Kim Cương chia sẻ.
Tìm đâu thế hệ vàng sân khấu cải lương LTS: Hiện tượng thiếu vắng các danh ca đang làm “đau đầu” những người tâm huyết với sân khấu cải lương. Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài “Tìm đâu thế hệ vàng sân khấu cải lương” nhằm tạo nhịp cầu cho nhà quản lý, các nghệ sĩ và khán giả mộ điệu cùng thảo luận thực trạng và giải pháp giúp cải lương thoát khỏi tình trạng “khát” danh ca |
“60% thành công của danh ca nhờ dàn nhạc cổ” NSƯT - nhạc sĩ Thanh Hải cho biết thêm chuẩn mực của dàn nhạc cổ có thứ bậc trong cách thể hiện. Không phải ngẫu nhiên mà cây đờn kìm lại được xếp đầu tiên. Nó như vị nhạc trưởng khó tính, cầm nhịp đều các cây khác hòa điệu, phối ngẫu. Người chơi đờn ca tài tử hay chưa chắc vào dàn nhạc cải lương mà sử dụng được ngón đờn. Một bên vận dụng tính ngẫu hứng còn một bên ngẫu hứng theo nguyên tắc. Đó là bám đúng theo yêu cầu kịch bản. Các cụ ngày xưa khi lập đoàn hát đều trả giá rất cao với dàn nhạc cổ vì họ xác định đúng giá trị của thành công nằm 60% ở dàn nhạc cổ tạo nên nét riêng cho từng “thương hiệu”. |
Kỳ tới: Để không còn “khát” danh ca
Bình luận (0)