Ðể thu hút học viên, hiện nay nhiều trường nghề trên địa bàn TPHCM đã tiến hành chiêu sinh nhiều lần trong năm. Ðây chính là điểm khác biệt giữa tuyển sinh học nghề so với hệ cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Mặt khác, theo quy chế tuyển sinh, đầu vào các trường nghề cũng thông thoáng, thí sinh không cần trải qua thi tuyển cũng là một thuận lợi.
Ðầu tư thiết bị, chuyên môn hóa đào tạo
Hiện Trường Cao đẳng nghề TPHCM đang đào tạo 11 chuyên ngành. Bên cạnh đó, trường cũng chiêu sinh hệ trung cấp, sơ cấp nghề và bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài việc linh động trong tuyển sinh, trường còn mở các lớp buổi tối ở tất cả các ngành nghề để phù hợp với điều kiện người học. Ngoài ra, trường còn đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng các xưởng thực hành với trang thiết bị hiện đại, cập nhật công nghệ mới…
Học viên Trường Trung cấp nghề Tư thục Du lịch Khôi Việt thực hành nấu ăn tại trường
Tại Trường Trung cấp nghề Tư thục Du lịch Khôi Việt, thế mạnh của trường là đào tạo ngành quản trị du lịch, khách sạn. “Trường chủ trương chuyên môn hóa đào tạo bằng cách đầu tư trang thiết bị, phòng học mô phỏng (mock-rooms) đúng kích thước thật, vật dụng thật để học viên thực hành với môi trường thật, nhanh chóng hội nhập công việc thực tế sau khi ra trường chứ không ôm đồm nhiều ngành nghề” – ông Hà Kim Vọng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Có việc làm ngay với thu nhập cao
Tốt nghiệp loại khá, chuyên ngành điện công nghiệp Trường Cao đẳng nghề TPHCM vào tháng 5-2010, giờ Phạm Hoàng Thắng đã là giám sát viên công trình của Công ty TNHH Kurihara Việt Nam với mức thu nhập từ 8 triệu đến 11 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ: “Trước khi ra trường, tôi đã xin vào làm việc ở một số công ty để cọ xát thực tế và củng cố kiến thức nên khi tốt nghiệp vào làm việc tại Công ty TNHH Kurihara Việt Nam tôi cũng không bỡ ngỡ lắm, bắt nhịp vào công việc rất nhanh. Học nghề giúp tôi có công việc tốt và thu nhập ổn định”.
“Nút thắt” liên thông đã được mở
Hầu hết các trường nghề tại TPHCM đều có chương trình liên thông ở bậc cao hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên có nhu cầu học lên cao đẳng, đại học. Hiện Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đang liên kết với Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TPHCM để đào tạo hệ cao đẳng nghề cho học viên ở các ngành cơ điện tử, công nghệ ô tô… Hay như Trường Cao đẳng nghề TPHCM đang liên kết với Trung tâm Ðào tạo thường xuyên Ðại học Ðà Nẵng chiêu sinh hệ đại học từ xa. Còn ở Trường Trung cấp nghề Tư thục Du lịch Khôi Việt, hiện có 20 học viên của trường đang du học tại ĐH Berjaya Malaysia và 5 học viên học tại Trường Stamford Singapore.
Việc Bộ GD-ÐT và Bộ LÐ-TB-XH ban hành Thông tư liên tịch về việc liên thông từ trung cấp, cao đẳng nghề lên cao đẳng, đại học đã mở ra con đường cho học viên trường nghề. Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng, phân tích: “Sau 2 năm học nghề, học viên hoàn toàn có khả năng tìm được việc làm với thu nhập ổn định để trang trải chi phí học liên thông lên cấp cao hơn. Ðiều này rất thuận lợi vì vừa có kinh nghiệm thực tế vừa được bổ sung kiến thức chuyên môn”.
Ưu tiên tuyển học viên trường nghề Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Công ty TM-DV Kỷ Nguyên, cho biết khi công ty có nhu cầu tuyển dụng, đều ưu tiên chọn ứng viên là học viên các trường nghề, cụ thể là Trường Trung học Công nghiệp TPHCM và Trường Cao đẳng nghề TPHCM. Bản thân ông cũng xuất thân từ trường nghề nên hiểu trong quá trình đào tạo, kiến thức chuyên môn và khả năng thực hành mà nhà trường trang bị cho học viên phù hợp với nhu cầu thực tế.
Bình luận (0)