Ông Vũ Tuyên ở đường Láng, quận Đống Đa - Hà Nội được nhiều người biết đến vì những ý tưởng phục vụ cộng đồng. Tuy có lúc bị chỉ trích, phản bác, thậm chí chính người trong gia đình cũng không ủng hộ chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng ông Tuyên chưa bao giờ từ bỏ những ý tưởng đến từ nhiều trăn trở, thao thức của mình.
Táo bạo
Đầu năm 2010, trước dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, bài toán chống ùn tắc giao thông ở thủ đô gần như không thể tìm thấy lời giải. Tất cả mặc nhiên chấp nhận chuyện tắc đường, lộn xộn trong văn hóa giao thông như một căn bệnh nan y không thuốc chữa. Khi ấy, tại một căn phòng nhỏ trong con hẻm trên đường Láng, một người đàn ông vừa về hưu đã táo bạo đề ra ý tưởng “Giờ không xe máy”.
Giải pháp mà ông Vũ Tuyên đưa ra là vào 3 khung giờ cao điểm trong ngày, toàn bộ khu vực nội thành sẽ cấm xe máy hoạt động để dành không gian cho xe buýt, ô tô cá nhân và xe đạp. Giải pháp “Giờ không xe máy” của ông Tuyên được ghi rõ “kính tặng thủ đô 1.000 năm tuổi” và đã được gửi đến các cơ quan chức năng của Hà Nội, như Sở GTVT, HĐND - UBND TP.
Ý tưởng của ông Tuyên tưởng như đã chìm vào quên lãng. Tuy nhiên, gần đây, chuyện “Giờ không xe máy” nóng trở lại khi trong cuộc họp với Sở GTVT TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần nghiên cứu giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giải quyết bài toán giao thông đô thị. Chuyện này càng trở nên nóng hơn khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây đề xuất việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Ông Tuyên đưa cho chúng tôi xem công thức mà ông đã chứng minh được trong bản đề án dày chừng 10 trang giấy. “Một đại lượng quan trọng ở đây là tính trật tự trong lưu thông, nói cách khác là văn hóa giao thông. Theo tôi, xây dựng văn hóa giao thông là vấn đề mang tính kỹ thuật và bắt buộc chứ không chỉ là chuyện yêu cầu tự giác”- ông giải thích. Ông Tuyên khát khao chứng minh những điều mình nói bằng những luận cứ khoa học, bằng những lý giải xác đáng để mọi người thấy rằng ông không… “lập dị” hay “khùng”.
Muốn thốt lên Eureka!
Khi tìm ra công thức để chứng minh cho lập luận “Giờ không xe máy”, ông Tuyên đã ôm chầm lấy cậu con trai rồi hào hứng: “Bố muốn thốt lên Eureka!”. Câu chuyện hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thực ra đã được ông Tuyên nung nấu từ năm 2007. Mãi đến khi về hưu, ông mới có cơ hội viết ra thành một giải pháp hoàn chỉnh và gần đây mới có những lý giải mang tính đồng bộ.
Năm 2003, khi bài toán ùn tắc giao thông còn chưa nan giải như bây giờ, trong một cuộc thi về đề xuất giải pháp giao thông cho thủ đô Hà Nội, ông Vũ Tuyên đã đề ra ý tưởng: “Một chiều hóa tối đa đường thủ đô và cơ chế quản lý”. Lúc ấy, Hà Nội chỉ có vài tuyến đường một chiều nhưng từ năm 2004 trở đi, hàng loạt đường một chiều đã ra đời. “Không biết có phải lãnh đạo nghe thấy đề xuất của tôi hay không nhưng tôi rất vui vì ý tưởng của mình trở thành hiện thực”- ông Tuyên tâm sự.
Theo ông Tuyên, nếu Hà Nội quyết tâm thực hiện đề án “Giờ không xe máy” thì chỉ sau khoảng 2-3 năm, các quận nội thành của thủ đô sẽ trở thành nơi đầu tiên trong cả nước không dùng xe máy như phương tiện giao thông chủ yếu. Ông Tuyên thổ lộ: “Ở thế hệ chúng tôi, xe máy là ước mơ của nhiều người. Đến tận bây giờ, chúng ta phải đối mặt với bài toán ùn tắc, tai nạn giao thông mỗi ngày cướp đi hơn 30 sinh mạng cũng là vì tư duy “tôn thờ” xe máy, phụ thuộc vào xe máy”.
Ông Tuyên còn nghĩ ra cả mẫu phiếu phạt vi phạm luật lệ giao thông, trong đó ghi đầy đủ thông tin về chủ phương tiện, lỗi vi phạm, thời gian, địa điểm và đặc biệt là trích Luật Giao thông Đường bộ để người dân có cơ hội học hỏi. Ông Tuyên đề xuất chính những người dân, người đi đường có quyền bán hình ảnh vi phạm giao thông cho cơ quan công an. Tất cả quy trình này được xử lý khép kín và sẽ không còn chỗ cho tiêu cực, mãi lộ…
Không muốn nghỉ ngơi
Ông Tuyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Hà Nội, tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường ĐH Tổng hợp. Ông có khí chất của sĩ phu Bắc Hà, thẳng thắn, ngang tàng. “Khi mới đậu vào Trường ĐH Tổng hợp, tôi có giấy gọi nhập ngũ. Thế là tôi lên đường tòng quân theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi tham gia chiến dịch mùa Xuân 1975 giải phóng Sài Gòn từ mặt trận Long An. Tám năm sau, tôi trở về trường cũ học tiếp để lấy bằng đại học”- ông Tuyên kể.
Trăn trở nghĩa là đang sống có ích, đang tư duy nghĩa là đang tồn tại. Ông Vũ Tuyên |
Trong cuộc sống, ông Tuyên không ngại nói lên những gì mà ông cho là sẽ đem đến lợi ích cộng đồng, dù không ít khi ông bị phản ứng rất dữ dội. Chuyện khoán vỉa hè cho người dân quản lý ở Hà Nội, chính ông Tuyên là người đề xuất. Vỉa hè nhiều nơi đã được khoán nhưng đáng tiếc là nó không phải do người dân làm chủ mà là các công ty quản lý, nghĩa là quyền khai thác những lợi ích công cộng vẫn chưa thuộc về người dân.
Trong một lần họp tổ dân phố cách đây 2-3 năm, trước vấn nạn quảng cáo bẩn hoành hành gây mất mỹ quan đô thị, ông Tuyên đề xuất lập một bảng quảng cáo công cộng có thu phí. Khi ấy, tổ dân phố có thể thu được tiền nếu có người sử dụng dịch vụ này thông qua bảng quảng cáo, đồng thời tất cả cam kết không sử dụng dịch vụ ngoài phạm vi bảng quảng cáo này. Ý kiến của ông Tuyên không được ủng hộ nhưng ông không buồn.
“Tôi không lo mình bị phản bác. Nếu sai, tôi sẽ thừa nhận; nếu chưa hoàn toàn đúng, tôi sẽ sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện; còn nếu tin là mình đúng, tôi không ngại công bố. Sắp tới, tôi sẽ gửi lại đề án “Giờ không xe máy” đã hoàn thiện của mình. Với một người về hưu, có nhiều thú vui để người ta tiêu khiển. Tuy nhiên, tôi không muốn nghỉ ngơi ở tuổi 60 khi vẫn còn nhiều việc có thể làm cho cộng đồng”- ông quả quyết.
Phao sinh tồn cho ngư dân Mới đây, ông Tuyên công bố bằng độc quyền sáng chế “Phao sinh tồn” cho ngư dân đi biển. Trước khi sáng chế áo phao độc đáo này, ông luôn trăn trở vì nước ta là một quốc gia biển và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, hằng năm có nhiều cái chết thương tâm của ngư dân lẫn trẻ em vùng sông nước.
Áo phao sinh tồn của ông làm hoàn toàn từ phế liệu với chai nhựa đã sử dụng. Ông Tuyên đã trang bị thêm rất nhiều vật dụng trên chiếc áo phao, từ đèn pin, còi, gương phản quang, gạo rang, pháo sáng…, tất cả đều được tự chế hoặc mua với giá rẻ.
Giá một chiếc áo phao sinh tồn chưa đến 100.000 đồng nhưng có thể giúp người bị nạn sống sót hàng tuần dưới nước.
“Tôi công bố sáng chế này để ngư dân có thể học tập và làm theo ngay chứ không phải giữ làm độc quyền cho mình”- ông khẳng định. |
Bình luận (0)