Phóng viên Báo Người Lao Động đã đi xe buýt ở Hà Nội và được thấm cũng như tận mắt chứng kiến cảnh khốn khổ của “thượng đế” trên những chuyến xe vào giờ cao điểm.
Ngột ngạt, quá tải
Chiếc xe buýt cũ kỹ ì ạch lăn bánh và chỉ hai bến tiếp theo (Bệnh viện K, phố Hai Bà Trưng), hành khách tiếp tục đổ dồn lên. Lúc này, tôi và gần 50 hành khách lưng dựa lưng, có người chỉ còn một chân trên sàn, còn chân kia chới với trên không. Dù thời tiết Hà Nội khá mát mẻ nhưng mồ hôi tôi cứ túa ra và mùi hơi người lấp đầy không khí chật hẹp. Chiếc xe quá tải nhích từng chút một giữa dòng người - xe đen kịt trên phố vào giờ tan tầm.
Trên tuyến xe buýt số 32, hành khách lưng dựa lưng, có người
chỉ còn một chân trên sàn, còn chân kia chới với trên không
Rời bến từ Nhổn nhưng đến trước cổng Trường Đại học Công nghiệp khoảng 1 km thì trên xe đã có tới 60-70 người và không khí để thở trở thành mặt hàng xa xỉ. Lấy tay vuốt mồ hôi trên mặt, bác Lâm Hòa (ngụ huyện Từ Liêm) nói trong tiếng thở hổn hển: “Bà bầu, người già hoặc bị thương tật nếu đi xe buýt mà bị hành xác thế này thì chỉ có rước họa vào thân”.
“Ngụp lặn” giữa biển người
Xe buýt giờ cao điểm luôn trở thành cơ hội kiếm tiền của dân “hai ngón” (móc túi). Dân móc túi thường lên xe nhiều nhất là khu vực Cầu Giấy, Hà Đông, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Mỹ Đình… Mỗi lần vào bến xe buýt, “thượng đế” phải thường xuyên nhắc mình nhớ giữ cho chắc tài sản, còn người lâu lâu mới đi một lần thì việc dính đòn của dân “hai ngón” là khó tránh khỏi.
Đứng cạnh chị Hằng, anh Nguyễn Thanh Phong (ngụ thị xã Sơn Tây) cho biết anh của anh hằng ngày đi làm bằng xe buýt và chỉ trong một năm đã “cống nộp” 3 chiếc ví và 2 điện thoại cho dân đạo chích.
Nhức nhối nhất là mới đây, một hành khách đi xe buýt ở Hà Nội bị móc mất ví. Anh này đã khổ sở than khóc xin kẻ gian trả lại bằng lái xe máy để về quê hành nghề xe ôm nhưng lời cầu xin như rơi vào hư không...
Bình luận (0)