* Phóng viên: Là người từng sát cánh bên doanh nghiệp (DN), doanh nhân, cảm nhận của ông trong ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay ra sao?
- Ông Lê Đăng Doanh: Tôi nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá rất cao nỗ lực của doanh nhân Việt Nam trong việc đóng góp phần lớn vào công cuộc phát triển đất nước. Đáng lưu ý là hiện có khoảng hơn 20% doanh nhân là phụ nữ, đó là cơ hội tốt để thực hiện bình đẳng nam nữ.
* Ông có cảm nhận rằng năm 2011, môi trường kinh doanh đã xấu đi, doanh nhân phải đối mặt với nhiều thử thách hơn?
- Năm nay, kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh DN Việt Nam, nhất là DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng cần nêu gương như anh Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long, nhờ luôn cải tiến công nghệ nên vẫn giữ được ổn định sản xuất, xuất khẩu. Hay TS Nguyễn Thành Mỹ ở Trà Vinh gây dựng DN Mỹ Lan xuất khẩu nguyên liệu công nghệ nano. Nhiều doanh nhân mạnh dạn sang Campuchia, Lào đầu tư. Trong chuyến đi Nam Phi vừa rồi, tôi thấy nhiều DN Việt Nam đã có mặt ở đó. Tại thủ đô Maputo của Mozambique, có một nhà hàng Việt luôn đông khách. Qua đó, tôi thấy doanh nhân Việt rất có ý thức vươn lên.
Tôi hết sức chia sẻ với doanh nhân trong thời điểm khó khăn hiện nay. Họ đã có tinh thần tự cứu mình chứ không ngồi chờ. l Theo ông, khó khăn của DN hiện nay chủ yếu là do tác động từ chính sách của Nhà nước hay do nội lực của DN?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài diễn văn kết thúc Hội nghị Trung ương III đã nói đến 3 đột phá quan trọng. Đó là đột phá trong đầu tư, cải cách tài chính và đột phá về DN Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn Nhà nước.
Rõ ràng việc ưu đãi quá đáng cho DN Nhà nước là không hợp lý, không tạo được những “quả đấm thép” như mong đợi. Tôi hy vọng đây là dịp để các DN tư nhân có khả năng được hỗ trợ nhiều hơn. Tôi nghĩ sắp tới, Chính phủ phải có chủ trương đầu tư dựa trên hiệu quả chứ không phải dựa trên tiêu chí hình thức sở hữu là Nhà nước hay tư nhân.
* Đã có tổng kết DN Việt Nam nhiều về số lượng nhưng quá nhỏ về quy mô, tư duy kinh doanh ngắn hạn. Vậy khi khó khăn chồng chất, liên tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào, thưa ông?
- Khó khăn là cơ hội để doanh nhân tự nhìn lại mình. Khi làm ăn suôn sẻ, doanh nhân thường nghĩ là mình tài giỏi. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, họ đang có cơ hội để nhìn lại mình. Thời gian vừa qua, họ đã ngộ nhận, đầu tư quá sức, đi vào những lĩnh vực không quản lý được. Cũng có những DN mới ở tầm địa phương nhưng đã tự hài lòng với lợi nhuận mình làm ra nên quá coi trọng hình thức. Có doanh nhân dùng đoàn “siêu xe” diễu hành, tôi thấy mẫn cảm chính trị của những doanh nhân ấy rất xoàng. Giờ là lúc họ nên thu dọn “chiến trường”, chuẩn bị để đón cơ hội mới. Khó khăn hiện nay là cơ hội để doanh nhân học hỏi thêm, tự nhìn lại mình và vươn lên. Tôi tin là doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn này.
Phải vững tay chèo Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt: Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, đa số DN đang lùi vào thế thủ. Bản thân các DN nói chung và Thép Việt nói riêng phải nỗ lực, duy trì hoạt động để chờ thời cơ phát triển. Quan trọng là DN phải giữ vững được thị trường nội địa. Bởi nếu không, khi kinh tế hồi phục, DN sẽ mất thị trường trong nước, mất luôn cơ hội tồn tại và phát triển. Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Thành: Trong lúc khó khăn như hiện nay, các DN phải vững tay chèo. Trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, tôi thấy nhiều DN trong ngành đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, muốn tồn tại, chờ cơ hội phát triển, DN nên xem xét lại vị thế, nguồn nguyên liệu của mình để điều tiết kinh doanh cho phù hợp. Thách thức lớn đối với DN là phải hiểu được những khó khăn đến từ kinh tế vĩ mô. Qua đó, DN mới có thể đưa ra những kế hoạch hợp lý. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai: Vừa nhận giải cao nhất của giải thưởng quốc tế Ernst & Young -EOY 2011- Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp, nhưng tôi không tự thỏa mãn và cũng không tự công nhận mình giỏi hơn mọi người. Trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, bản lĩnh của doanh nhân càng phải được thể hiện. Mỗi doanh nhân phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để vượt qua khó khăn và không nên đầu hàng hoàn cảnh. Để lèo lái DN vượt qua khó khăn, chắc chắn cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách… Th.Phương – S. Nhung ghi |
Phát động “bình chọn giảng viên là doanh nhân” Ngày 12-10, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức phát động “bình chọn giảng viên là doanh nhân” nhằm tôn vinh những doanh nhân tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Theo ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đối tượng bình chọn là những doanh nhân tích cực giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên, sinh viên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp trong các chương trình của dự án “Tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp” và chương trình “1.000 doanh nhân truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua E- Learning”. Y.Anh |
Bình luận (0)