Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết giám đốc sở GD-ĐT sẽ chủ động xây dựng và thực hiện phương án tổ chức coi thi phù hợp với điều kiện năng lực của địa phương, đơn vị, trong đó bao gồm cả việc chủ động tổ chức chấm thi.
Như vậy, cho tới nay, nhiều người mới chỉ biết được rằng Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 và kỳ thi này sẽ bỏ việc tổ chức thi theo cụm cũng như việc chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Do đó, nhiều ý kiến đang băn khoăn vì Bộ GD-ĐT giao kỳ thi này cho các giám đốc sở GD-ĐT là giao ở mức độ nào? Sở dĩ nói như vậy là vì giao cho các sở GD-ĐT phương án tổ chức coi thi bao gồm cả chủ động tổ chức chấm thi không có nghĩa là “khoán trắng” cho địa phương mà bộ phải xây dựng được những quy chế coi thi, chấm thi, phúc khảo thật nghiêm minh, chặt chẽ và đặc biệt là phải thi sao cho gọn nhẹ mà vẫn bảo đảm kiến thức chuẩn, toàn diện, sáng tạo... Giao về cho địa phương tổ chức mà giao cả việc ra đề thi thì chưa nên, vì có đề thi chung của cả nước thì Bộ GD-ĐT mới đánh giá được mặt bằng kiến thức chung và quan tâm hơn đến những nơi còn khó khăn như miền núi, vùng ĐBSCL. Mặt khác, việc ra đề thi ở một số tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có sai sót như việc ra đề thi kiểm tra chất lượng hay kiểm tra học kỳ những năm vừa qua.
Để hạn chế tiêu cực (chủ yếu là chạy theo thành tích trong thi cử), khi Bộ GD-ĐT giao quyền chủ động tổ chức thi cho địa phương thì không nên giao với tư cách là bộ trưởng giao quyền cho giám đốc sở mà phải với tư cách là đại diện Chính phủ giao cho chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Nếu có thể, Bộ GD-ĐT nên tham mưu với Chính phủ ban hành nghị quyết về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, trong đó có giao việc tổ chức thi cử cho chính quyền các cấp.
Thi cử là việc lớn của quốc gia mà ở nước ta chưa có luật hay những văn bản dưới luật về thi cử nên lâu nay do Bộ GD-ĐT tự lo liệu, hằng năm cứ thay đổi xoành xoạch và còn nhiều tiêu cực. Nếu vừa dạy học lại vừa coi thi, chấm thi thì khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khó loại bỏ được tiêu cực trong coi thi và chấm thi là vậy.
Bình luận (0)