Đoạn đê dài hơn 30 mét ỡ Vĩnh Châu bị vỡ.
Theo nhiều người dân nơi đây cho biết, trong lúc đang làm nhiệm vụ gia cố đê bao thì bất ngờ mặt đê bị nước lũ phá hỏng, cuốn chiếc Kobe mất hút dưới dòng nước chảy xiết. Người lái xe đã may mắn nhảy ra ngoài, thoát chết trong gang tấc.Sau khi đê vỡ, nước lũ từ kênh 10 cuồn cuộn tràn vào nội đồng như thác đổ. Chỉ chưa đầy 5 giờ, toàn bộ đồng lúa ngập sâu trong nước, khiến hàng trăm hộ dân hụt hẫng, nhìn lúa của mình trôi theo dòng lũ.
Nhiều hộ dân phải di dời nhà khẩn cấp lên bờ kênh Tha La lánh nạn.
Sau sự cố này, tại các tiểu vùng lúa vụ 3 giáp ranh ở xã Vĩnh Châu, nhiều nông dân ở xã Vĩnh Tế cũng đang thấp thỏm lo âu trước nguy cơ mất trắng cận kề, nếu đoạn đê mới vỡ không được kịp thời vá lại.
Theo nhiều nông dân, sở dĩ sự cố đáng tiếc này xảy ra là do có phần chủ quan hoặc làm không đúng cách việc gia cố đê bao.
Ông Mai Văn Điền, một nông dân vừa bị nước lũ “chụp” mất hơn 30 công lúa, tức giận nói: “Tại mấy ổng (lực lượng gia cố đê) làm quá ẩu. Cứ dùng Kobe múc đất sát chân đê hoài thì nước đạp mạnh làm sao đê chịu nổi, bể là chuyện đương nhiên. Từ giữa tháng 9 tới giờ, thấy con đập tràn Tha La đắp lại rồi, bà con ở đây ai nấy cũng mừng vì nghĩ là lúa được ăn chắc. Bây giờ thì coi như trắng tay rồi. Một hạt lúa để ăn còn không có chứ nói chi đến chuyện còn lúa giống để làm mùa sau”.
Còn ông Nguyễn Văn Chiến cũng không giấu nổi thất vọng, cho hay hơn 14 công lúa của gia đình ông đã sạ 45 ngày và đang làm đòng. Đang trong lúc cặm cụi bón phân cho lúa thì ông hay tin cách đó vài trăm mét con đê bị vỡ. “Lúc đó tui muốn chết đứng trên đồng luôn chứ biết làm gì bây giờ. Phải chi nước lũ đánh sập mặt đê phía kênh Tha La thường xuyên bị sóng đạp thì mình không tức, đằng này con kênh 10 chỉ là kênh phụ mà lại để cho bể”.
Ông Trần Văn Trơ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, cho biết sau khi nhận thông tin vỡ đê, chính quyền địa phương huy động hơn 1.000 lực lượng ứng cứu đê, bao gồm sự chi viện của các lực lượng quân sự, công an và cả người dân.
Bình luận (0)