MO'TASSIM
Theo Reuters, thi thể của Mo'tassim bị trưng bày ở một ngôi nhà riêng tại thành phố Misrata. Được đặt trên sàn nhà, bên dưới lót chăn và bên trên phủ bạt nhựa đến ngang thắt lưng, Mo'tassim bị để trần phần thân trên, để lộ ra nhiều vết thương ở ngực và cổ.
Cư dân địa phương đã chen chúc nhau vây quanh để chụp hình tử thi bằng điện thoại di động. Có người nói: “Đây là kết cuộc của kẻ bạo ngược”.
Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC) tuyên bố Mo'tassim bị các tay súng NTC bắn chết sau khi cố gắng chống cự và bắn trả.
Một đoạn video cũng được tung ra, trong đó quay cảnh Mo'tassim nằm trên giường, người đầy máu nhưng vẫn sống. Mo'tassim râu ria tua tủa, mặc chiếc áo lót đẫm máu, bị thương nhưng rõ ràng là còn sống vào thời điểm đoạn video được quay. Trước đó, cũng chính NTC cho biết Mo'tassim bị bắt sống.
Mo'tassim từng là cố vấn an ninh quốc gia của Libya. Trong suốt cuộc nội chiến, vai trò của Mo'tassim khá mờ nhạt trên báo chí nhưng có nhiều báo cáo khẳng định Mo'tassim tham gia dập tắt cuộc nổi dậy. NTC cho rằng Mo'tassim đã ẩn náu ở Sirte nhiều tuần lễ và lãnh đạo cuộc chiến chống lại NTC.
Từ trái sang, từ trên xuống: Saif al-Islam, Saif al-Arab, Saadi, Aisha,
Hannibal, Mo'tassim, Khamis, và Mohammed
SAIF AL-ISLAM
Ông Abdel Majid Mlegta, một quan chức NTC, khẳng định người con trai thứ hai của ông Gaddafi là Saif al-Islam đã bị bắt và bị thương khi tìm cách trốn chạy khỏi Sirte ngày 20-10.
Saif al-Islam, 39 tuổi, là người con trai ưu tú nhất của ông Gaddafi và có khả năng kế thừa vị trí lãnh đạo Libya. Kể từ khi cuộc nổi dậy nổ ra, Saif al-Islam đóng vai trò phát ngôn viên chính cho ông Gaddafi.
Trong một lần phát biểu trên truyền hình, Saif al-Islam từng đe dọa người biểu tình: “Nếu không dừng lại, các người sẽ phải than khóc hàng trăm ngàn người, thay vì 84 (số người biểu tình thiệt mạng thời điểm đó - PV)”. Cùng với cha mình, ông này bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) truy nã vì tội ác chống lại loài người.
SAADI
Saadi Gaddafi đã chạy trốn sang Niger hồi tháng 9 qua và đang bị quản thúc tại đây. Dù vậy, chính phủ Niger đã từ chối dẫn độ Saadi về Libya trừ khi chắc chắn có một phiên tòa xét xử công bằng.
Từng theo đuổi sự nghiệp bóng đá một thời gian ngắn ở giải Serie A của Ý (từ năm 2003 đến 2007), có tin Saadi đã cố đàm phán đầu hàng hồi cuối tháng 8 khi Tripoli rơi vào tay NTC.
HANNIBAL
Hannibal Gaddafi đã trốn sang Algeria cùng mẹ, em gái Aisha và người anh trai Mohammed.
Quá khứ của Hannibal cũng lẫy lừng không kém các anh em trai với vụ gây rối tại Thụy Sĩ, dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Libya – Thụy Sĩ, kéo theo cả Liên minh Châu Âu và Mỹ vào cuộc.
Ngày 15-7-2008, khoảng 20 cảnh sát đã xông vào khách sạn sang trọng ở Geneva, bắt giữ Hannibal cùng người vợ đang mang thai Aline Skaf vì cáo buộc ngược đãi 2 người giúp việc.
Không lâu sau, họ được thả ra, nhưng Libya nhanh chóng rút hàng triệu USD từ các ngân hàng Thụy Sĩ ra và trì hoãn xuất khẩu dầu cho Thụy Sĩ.
Tóm lược các thành viên gia đình Gaddafi. Nguồn: Vietnam+
MOHAMMED
Là con trai cả của ông Gaddafi trong cuộc hôn nhân đầu tiên, Mohammed Gaddafi có bằng tiến sĩ và là chủ tịch Ủy ban Olympic Libya.
Ông này cũng đứng đầu Công ty Viễn thông Libya. Chính vì vậy, khi biểu tình nổ ra, liên lạc bằng điện thoại ở Libya trở nên thiếu tin cậy, nhất là đối với những người thường cung cấp thông tin cho phóng viên nước ngoài.
Mohammed được cho là đang ở Algeria.
AISHA
Là luật sư với biệt danh “Claudia Schiffer của Bắc Phi”, Aisha Gaddafi điều hành một quỹ từ thiện và từng tham gia đội ngũ luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein vào năm 2004.
Chỉ vài ngày sau khi đến Algeria hồi tháng 8, Aisha được cho là đã sinh một con gái.
SAIF AL-ARAB
Saif al-Arab thiệt mạng trong một đợt không kích của NATO ngày 30-4 tại Tripoli. Là đứa con im hơi lặng tiếng nhất của ông Gaddafi, Saif al-Arab từng theo học tại đại học Kỹ thuật Munich (Đức).
Dù vậy, trong thời gian học ở đây, Saif al-Arab bị cáo buộc cố tình đưa lậu một khẩu súng trường từ Đức và Pháp trên chiếc xe gắn biển ngoại giao, đồng thời ra lệnh tấn công bằng acid một hộp đêm sau khi bạn gái ông ta bị “đá” ra khỏi đây.
KHAMIS
Khamis là chỉ huy lữ đoàn 32 thiện chiến nhất của Libya dù từng bị thương khi Mỹ ném bom Tripoli năm 1986. Rất nhiều lần Khamis bị đồn thiệt mạng trong suốt thời gian xảy ra nội chiến. Gần đây nhất đã chứng thực Khamis tử trận vào cuối tháng 8 khi đang rút chạy từ Tripoli về Bani Walid.
Nếu còn sống, Khamis chắc chắn sẽ bị ICC truy nã bởi lữ đoàn của ông này bị cáo buộc giết nhiều người biểu tình bị bắt giam ở Tripoli.
Bình luận (0)