xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Hiệp sĩ” đối đầu với cám dỗ

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Đã xảy ra hàng chục vụ đối tượng phạm tội khi bị bắt tìm cách hối lộ cho các “hiệp sĩ” để được thả

“Xin đừng giao em cho công an. Thả em ra, em gọi điện về nhà sẽ có người mang ngay 20 triệu đồng cho mấy anh!”. Đó là lời năn nỉ của một đối tượng vận chuyển xe trộm cắp qua Campuchia tiêu thụ bị các “hiệp sĩ” phường Hiệp Thành, thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương, bắt giữ. Đây chỉ là một trong hàng chục cuộc “ngã giá” của các đối tượng phạm tội với hơn 100 “hiệp sĩ” trong các CLB phòng chống tội phạm ở Bình Dương.

Hối lộ để được tự do

Hiệp sĩ Lương Văn Hóa, CLB Phòng chống tội phạm  xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát, nói: “Bây giờ tội phạm ranh mãnh, bị bắt là chìa tiền đòi hối lộ. Anh em chúng tôi giờ vừa đối đầu tội phạm vừa đối đầu với sự cám dỗ”. Ngày 17-9, “hiệp sĩ” Hóa tóm được Thiếu Sỹ Nhất (28 tuổi) đang vận chuyển một bao dây đồng trộm từ một công ty ở Bến Cát đi bán. Để tránh bị áp giải về trụ sở công an, Nhất chìa 6 triệu đồng đưa anh Hóa xin “tha mạng” nhưng bị anh từ chối.
img

Khi bị bắt vì chở đồ trộm cắp đi tiêu thụ, Thiếu Sỹ Nhất (phải) đề nghị hối lộ  “hiệp sĩ” Lương Văn Hóa 6 triệu đồng

Vài ngày sau, hai đối tượng chuyên trộm gà bị “hiệp sĩ” Hóa bắt lại đòi hối lộ cho anh 2 triệu đồng và tang vật là... 28 con gà. “Lần đó, phát hiện đối tượng trộm 90 triệu đồng của người dân. Tôi bắt đưa về trụ sở công an, dọc đường đối tượng đòi “cưa đôi” cho tôi 45 triệu đồng, khi thấy tôi kiên quyết áp giải, đối tượng nâng giá lên 90 triệu đồng. Thật lòng nếu không bản lĩnh thì dễ sa ngã lắm!”- anh Hóa kể.

Biết “hiệp sĩ” hoạt động không lương, một số người lại rất nghèo nên nhiều tội phạm không chỉ hô giá mà còn lập luận nghe rất êm tai: “Giao chúng tôi cho công an các anh cũng đâu nhận thưởng nhiều nhặn gì, các anh tha cho tôi, tôi biếu tiền rồi đường ai nấy đi, chuyện này chỉ trời mới biết”. Bản thân “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, người duy nhất của Bình Dương nhận Huân chương Chiến công về thành tích phòng chống tội phạm, đã nhiều lần chiến thắng những lời đường mật của tội phạm. “Có lần tôi dẫn giải kẻ trộm xe máy về phường, dọc đường hắn cứ rỉ rả khuyên tôi nhận tiền, hắn còn xin tôi  “áp giải” vào quán cà phê để đưa tôi 100 triệu đồng. Tôi phải gằng giọng dọa tố cáo, hắn mới thôi đòi mua chuộc”- hiệp sĩ Hải kể.

Nên chọn lọc “hiệp sĩ”

Trung tá Hà Văn Thanh, Phó Công an phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, một trong những người nhiều năm dẫn dắt các “hiệp sĩ” CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, cho biết đã nhiều lần nghe thành viên trong CLB báo cáo về việc được tội phạm đưa tiền để được thả. Trung tá Thanh tin tưởng “hiệp sĩ” phường mình chưa từng sa ngã, tuy nhiên ông nói có thể có trường hợp người bị hại thưởng cho “hiệp sĩ” do bắt được tội phạm và trả lại của cải cho họ. “Nhiều “hiệp sĩ” của phường đã vang danh 10 năm nay. Tôi cũng đã xác định với các “hiệp sĩ”: Ai hành hiệp được thì hành hiệp, không thì nghỉ, không thể viện lý do  không lương để bị cám dỗ”- trung tá Thanh quả quyết.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TPHCM, trong khi chức năng, quyền hạn, địa vị pháp lý của “hiệp sĩ” chưa rõ ràng thì việc nhân rộng, phát triển ồ ạt mô hình “hiệp sĩ” như hiện nay sẽ sinh ra nhiều hệ lụy, trong đó có thể làm phát sinh nạn giả danh “hiệp sĩ” hù dọa, vòi tiền. Để ngăn ngừa tình trạng này, cần phải sàng lọc, chọn những thanh niên ưu tú về đạo đức, sức khỏe và đào tạo thêm về võ,  quy tắc ứng xử, cách nhận diện tội phạm...
Luật sư Hoài cũng cho rằng không nên khuyến khích, trông cậy những nghĩa cử của “hiệp sĩ” vì điều này có thể gây nguy hiểm cho người dân và cho chính “hiệp sĩ”, trách nhiệm này là của lực lượng công an, những người được trang bị đầy đủ kỹ năng, công cụ ứng phó với tội phạm. “Đó là chưa nói đến chuyện “hiệp sĩ” có thể bị sa ngã vì cám dỗ rồi  lãnh án. Ngoài ra cũng đã có quá nhiều “hiệp sĩ” phải chịu thương tích, thậm chí mất mạng vì truy đuổi người mình cho là tội phạm”- luật sư Hoài nói.

Xét xử  lưu động kẻ truy sát “hiệp sĩ”

Theo kế hoạch, ngày 28-10, TAND thị xã Dĩ An – Bình Dương sẽ xét xử lưu động Vũ Đức Tuấn (Tuấn “chó” quê Nghệ An)  và đồng bọn đã dùng  mã tấu chém gây thương tích nặng cho “hiệp sĩ” Nguyễn Tăng Tiên. Đây là buổi xét xử được nhiều người dân địa phương chờ đợi.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 24-6, mặc cho Tuấn “chó” phỉnh dụ, xin xỏ, hăm dọa, anh Nguyễn Tăng Tiên kiên quyết  bắt Lê Thị Liên (đối tượng tiêu thụ xe gian, được Tuấn “chó” bảo kê) giao công an. Ngày 27-6, Tuấn “chó” đã chỉ đạo đàn em dùng mã tấu chém xối xả khi anh Tiên đang làm việc tại lò bánh mì của mình. Liên quan đến Tuấn “chó”, hàng loạt đối tượng trộm, tiêu thụ xe máy đã bị công an bắt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo