Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết kết quả kiểm tra trình độ năng lực tiếng Anh của giáo viên tiểu học, THCS và THPT vừa qua cho thấy tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn (trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL) không cao. Giáo viên tiếng Anh tiểu học không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về năng lực ngoại ngữ cũng như kỹ năng sư phạm.
Thiếu bài bản từ đầu
Bà Phùng Thị Hoàng Yến, chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT Phú Thọ, cho biết rất nhiều trường trong tỉnh này thiếu giáo viên tiếng Anh, trong khi tuyển giáo viên đạt chuẩn lại rất khó khăn nên 2 năm nay, sở quyết định không tham gia thí điểm chương trình tiếng Anh lớp 3.
Một thực tế đang tồn tại ở các trường tiểu học hiện nay là không có giáo viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu để dạy tiếng Anh tiểu học. Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, khó khăn trong quá trình tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tiểu học hiện nay chính là các cơ sở không có chỉ tiêu biên chế trong khi chế độ thù lao, tiền lương còn nhiều bất cập. Những quy định về trình độ và mức lương chưa được tháo gỡ nên chưa thu hút được giáo viên tốt nghiệp ĐH có trình độ năng lực ngoại ngữ đạt bậc 5 và năng lực sư phạm giỏi. Chính bất cập này đã dẫn đến tình trạng thừa giáo viên giỏi, trình độ cao nhưng lại thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học.
Cần biên chế
Để tháo gỡ những khó khăn, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo Bộ GD-ĐT cố gắng đến cuối năm 2011 phải có hướng dẫn về biên chế cho giáo viên tiếng Anh. Đối với khó khăn lớn nhất là đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn, Phó Thủ tướng nêu rõ phải đẩy mạnh giao nhiệm vụ cho các trường ĐH đào tạo giáo viên tiếng Anh cho các địa phương như những chiếc máy cái. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch trong 2-3 năm tới đưa giáo viên tập huấn tiếng Anh ở nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đã giao một số trường ĐH xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh THPT và THCS trình độ ĐH. Hiện Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Đà Nẵng đang hoàn thiện chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh tiểu học trình độ ĐH. Bộ GD-ĐT cũng đã giao Viện Khoa học Giáo dục làm đầu mối xây dựng chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên ngoại ngữ để làm cơ sở cho việc xây dựng, biên soạn chương trình và các khoa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp đạt chuẩn.
Học để sử dụng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các sở GD-ĐT đến hết quý I/2012 phải hoàn thành đề án ngoại ngữ quốc gia của địa phương, trong đó nhấn mạnh tới tổ chức rà soát trình độ giáo viên, quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên. Bên cạnh đó, các trường ĐH cả nước phải có kế hoạch dạy và học ngoại ngữ ở trường mình theo chuẩn mới. Cần phải thay đổi về nhận thức rằng ngoại ngữ không phải là một môn học mà là một công cụ. Để làm được điều này, cần thay đổi trạng thái học để thi đỗ sang học để sử dụng. |
Bình luận (0)