Theo nhóm phóng viên Tân Hoa Xã tại Libya, một cư dân địa phương tên Munsif đã dẫn họ đến căn nhà hai tầng trên và giới thiệu: “Đây là nơi Muammar Gaddafi đã ẩn nấp trong 3 tuần cuối cùng”.
"Không bước chân ra khỏi phòng"
Căn nhà trên nằm trong khu dân cư lân cận khu nhà giàu của thành phố. Tuy nhiên, hàng tháng trời chiến tranh đã biến nơi này thành hoang phế với đủ loại vỏ đạn trên đường và hầu như không còn tòa nhà nào nguyên vẹn.
Ngôi nhà ông Gaddafi ẩn nấp 3 tuần cuối đời. Ảnh: Tân Hoa Xã
Sau khi lên nắm quyền vào năm 1969, ông Gaddafi đã triển khai nhiều chương trình phát triển ngôi làng quê hương của mình thành một thành phố hiện đại với tham vọng trở thành trung tâm của một “Liên bang châu Phi”.
Và ông đã chọn ở lại quê nhà cho đến khi bị bắt và giết chết ngày 20-10 vừa rồi thay vì chạy trốn xuống sa mạc phía nam hay đi tị nạn ở các nước láng giềng như nhiều nguồn tin suy đoán.
Munsif kể trong lúc mở cánh cổng nhà rồi cửa phòng khách: “Gaddafi đã di chuyển nhiều nơi trong quận này cùng các cận vệ, nhưng đây là nơi ông ta trú ngụ suốt 3 tuần cuối cùng”. Trong phòng khách còn đặt khoảng 20 chiếc nệm dơ bẩn và nhiều chai nước trống rỗng vứt lung tung khắp phòng.
Phòng khách có gần 20 chiếc nệm và các cửa sổ được che kín bằng tấm kim loại. Ảnh: Tân Hoa Xã
Mặc dù Đại tá Gaddafi luôn phát ngôn đanh thép cho đến tận cuối đời trên các phương tiện truyền thông, nhưng có vẻ như ông đã trải qua những ngày sợ hãi và hoang mang mà ông chưa từng trải nghiệm qua hơn 40 năm cầm quyền tại căn nhà trên.
Tất cả cửa sổ của căn phòng đều được che kín bằng các tấm kim loại để tránh những ánh mắt tò mò cùng đạn lạc. Munsif cho biết ông Gaddafi không hề bước chân ra khỏi căn phòng tối tăm này, trong khi chỉ có đầu bếp của ông được quyền chuẩn bị bữa ăn cho nhà lãnh đạo thất thế bằng nhà bếp dã chiến dựng trong sân và được che chắn bằng mái thép.
Khoảng 200 tay súng bắn tỉa canh gác trên các mái nhà xung quanh nơi ẩn náu của ông Gaddafi. Nhiều lúc, các tay súng này đã chống cự dữ dội, đẩy lui lực lượng của chính quyền mới Libya và kéo dài sự sống cho ông Gaddafi.
Ông Gaddafi quyết định đào tẩu khi vòng vây bị khép kín. Ảnh: Tân Hoa Xã
Khi NTC và NATO bắt đầu thu hẹp phạm vi tấn công trong tuần cuối cùng, ông Gaddafi quyết định đào tẩu. Tuy nhiên, đoàn xe của ông trúng bom NATO, kéo theo cái chết của hàng chục người.
“Họ đều là lính đánh thuê gốc Phi của ông Gaddafi” – một người đàn ông mặc trang phục của nhân viên y tế đang thu thập các tử thi trên cho biết.
Những ngày cuối đời giận dữ
Ông Gaddafi cùng con trai Mo’tassim và các cận vệ trung thành đã tá túc ở nhiều ngôi nhà bỏ hoang không TV, điện thoại hay điện ở Sirte, theo lời của Mansour Dao – người đứng đầu lực lượng cận vệ của ông. Cứ 4 ngày họ đổi địa điểm một lần.
Ông Mansour Dao, cận vệ của ông Gaddafi cho đến ngày ông chết. Ảnh: New York Times
Theo lời kể của Dao ngày 24-10 ở Misrata, ông Gaddafi giết thời gian bằng cách đọc sách, ghi chép hoặc pha trà. “Ông ấy không lãnh đạo cuộc chiến mà là các con trai. Ông ấy không có kế hoạch gì cả” – ông Dao nói.
Đơn cử ở Sirte, lực lượng trung thành với ông Gaddafi đặt dưới sự chỉ huy Mo’tassim. Ban đầu có khoảng 350 tay súng, nhưng sau cùng chỉ còn khoảng 150. Một số đã bỏ trốn, số khác bị tiêu diệt.
Vào ngày ông Gaddafi bị bắt, ông Dao tháp tùng ông trên chiếc Toyota Landcruiser màu xanh ô liu, tìm đường thoát khỏi Sirte. Đoàn xe trúng bom NATO, cả ông Gaddafi và Dao đều bị thương và bị bắt. Sau đó, ông Gaddafi chết trong tình huống nhiều tranh cãi. Dao kể ông bị bất tỉnh trước khi bị bắt nên không biết điều gì đã xảy ra cho ông Gaddafi.
Đoàn xe của ông Gaddafi tan tành sau đợt không kích của NATO. Ảnh: Reuters
Dao cho biết ông Gaddafi bỏ chạy khỏi dinh thự ở Tripoli vào khoảng ngày 18 hoặc 19-8, ngay trước khi NTC tràn vào thủ đô Libya. Khi hay tin Tripoli thất thủ, ông Gaddafi chạy thẳng đến Sirte cùng Mo’tassim, còn Saif al-Islam trốn đến Bani Walid.
Các trợ lý của Gaddafi liên tục khuyên ông đầu hàng hoặc đi tị nạn, nhưng ông từ chối và kiên quyết muốn được chết trên đất đai của tổ tiên. “Tôi cảm thấy tiếc vì ông ấy đã đánh giá thấp tình hình. Ông ấy có thể rời khỏi đất nước, quên đi chuyện này và sống vui vẻ” – Dao nói.
Ống cống nơi ông Gaddafi trốn tránh trước khi bị bắt. Ảnh: AP
Mất đi quyền lực kéo dài 42 năm, theo Dao, ông Gaddaf trở nên căng thẳng. “Ông ấy lúc nào cũng giận dữ, thỉnh thoảng còn nổi điên, nhưng hầu hết thời gian là buồn bã và giận dữ. Ông ấy vẫn tin rằng người dân Libya yêu mến ông, kể cả khi chúng tôi nói rằng Tripoli đã thất thủ”.
Dao làm việc cho ông Gaddafi từ năm 1980 và giữ vai trò chỉ huy trưởng lực lượng cận vệ của nhà lãnh đạo quá cố này trong thập niên 1990.
Gia đình Gaddafi “sẽ kiện NATO”
Gia đình của Đại tá Gaddafi sẽ khởi kiện NATO lên Tòa án Quân sự quốc tế vì phạm “tội ác chiến tranh”.
Đài phát thanh Europe1 (Pháp) dẫn lời luật sư Marcel Ceccaldi của gia đình Gaddafi cho biết: “Trực thăng NATO đã ném bom vào đoàn xe của ông Gaddafi trong khi đoàn xe không hề gây ra mối đe dọa nào cho dân thường. Đây là hoạt động nhằm tiêu diệt nhà lãnh đạo Libya, do NATO lên kế hoạch”.
Ông Ceccaldi cũng chỉ trích quyết định trưng bày thi thể ông Gaddafi ở Misrata trong vòng 4 ngày trước khi chôn cất hôm 25-10. |
Bình luận (0)