xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Các cây cầu “tử thần”

Ánh Nguyệt

Nhiều vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên các cây cầu mới xây ở TPHCM khiến người dân lo lắng

img
Một vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thủ Thiêm vào giữa năm 2010 làm một thanh niên chết tại chỗ. Ảnh: Đăng Lê
Kể từ khi xuất hiện, nhiều cây cầu trên địa bàn TPHCM trở thành “cầu tử thần” vì sự nguy hiểm và nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông quá cao. Nguyên nhân gây ra tai nạn không chỉ ở sự bất cập trong thiết kế mà còn do ý thức người dân quá thấp.

Chết và va quệt

Có thể nói, khu vực cầu Chánh Hưng trên đường Phạm Hùng (quận 8) là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực. Một đầu cầu tiếp giáp với đường Hưng Phú, đầu cầu còn lại tiếp giáp với đường số 12, cả hai phía đều tạo thành hai ngã tư với lưu lượng giao thông rất đông đúc.
Trong hai giao lộ thì giao lộ Phạm Hùng – Hưng Phú đặc biệt nguy hiểm. Dốc cầu Chánh Hưng bị đường Hưng Phú cắt ngang nên khi gặp đèn đỏ, dòng xe đang di chuyển phải ngừng lại khi đang đổ dốc.
Được hỏi về những vụ tai nạn giao thông gần đây, ông Nguyễn Thành, chủ tiệm sửa xe Hoàng Vũ nằm gần dốc cầu Chánh Hưng, than phiền: “Nhiều quá tôi không nhớ vụ nào mà kể. Từ ngày cây cầu này mọc lên, năm nào cũng có mấy vụ chết người, chủ yếu là xe tải đâm xe máy, còn những vụ va quệt xảy ra như cơm bữa”.
Con lươn ngay đầu trên cầu thường xuyên bị xiêu vẹo, méo mó vì bị xe tải tông vào. Năm 2010, ông Thành là người trực tiếp đưa một cô gái vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu khi cô bị một xe tang ủi từ phía sau lúc dừng chờ đèn đỏ ngay dốc cầu. Cô gái sau đó đã chết vì thương tích quá nặng.
Cuối tháng 9-2011, gia đình ông Nguyễn Hùng Ngà, ngụ phường 10, quận 8, có một người con rể bị xe tải tông chết ngay dốc cầu Chánh Hưng khi anh đang quẹo từ đường số 10 lên cầu, bỏ lại người vợ cùng 2 đứa con gái nhỏ. 
 “Khi có cầu, người dân chúng tôi rất mừng nhưng không ngờ nó lại tạo ra quá nhiều tai nạn giao thông. Mỗi khi đèn đỏ, xe tải đang đà đổ dốc với tốc độ cao phải hãm phanh, đó là một nguy hiểm chết người”- ông Ngà nhận xét.
Sau cầu Chánh Hưng, cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Văn Cừ và cầu vượt Cát Lái cũng bị liệt vào danh sách “cầu tử thần”. Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi thông xe (tính đến cuối năm 2009), đã có hơn 10 vụ tai nạn xảy ra trên cầu Thủ Thiêm và cầu Nguyễn Văn Cừ. Các vụ tai nạn đều xảy ra trên nhánh cầu cong.
Trên nhánh N1 cầu Thủ Thiêm; nhánh từ quận 1 về quận 4, nhánh từ quận 4 về quận 1 và nhánh từ quận 8 về quận 4 của cầu Nguyễn Văn Cừ đều có những vết xước dài do xe cộ va quệt vào thành cầu.
Riêng cầu vượt Cát Lái, đến nay đã xảy ra vài vụ tai nạn lật xe container, may là chưa có container nào rơi xuống xa lộ Hà Nội.

Dự án treo, dân tiếp tục lo

Trước tình hình giao thông bất ổn tại khu vực cầu Chánh Hưng, từ năm 2006, Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 (Khu 1) đã có phương án kéo dài dải phân cách trên cầu Chánh Hưng (bít luôn giao lộ Chánh Hưng – Hưng Phú), nối liền với dải phân cách trên cầu Nguyễn Tri Phương.
Song song đó là chỉnh trang đường Nguyễn Duy, kết nối với đường Võ Trứ và Dã Tượng để điều chỉnh lại luồng giao thông trong khu vực nhằm xóa bỏ giao cắt tại dốc cầu Chánh Hưng. Tuy nhiên, UBND quận 8 không giải tỏa đền bù được nên dự án bị treo đến nay, mặc dù đã được ghi vốn.
Đối với những tai nạn trên cầu Thủ Thiêm, cầu Nguyễn Văn Cừ, nguyên nhân xảy ra phần lớn là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, va vào thành cầu bay ra khỏi lan can cầu.  Ông Vương Quang Hưng, Trưởng Ban Dự án cầu Thủ Thiêm – Khu 1, nhấn mạnh: “Nhánh N1 cầu Thủ Thiêm có bán kính cong 60 m, được thiết kế cho vận tốc chuẩn là 40 km/giờ, nếu chạy trong tốc độ cho phép thì khó xảy ra tai nạn.
Nếu chạy với vận tốc cao hơn, khi ôm cua sẽ bị lực ly tâm hất văng ra khỏi nhánh cầu”.  Đối với cầu Nguyễn Văn Cừ, bán kính cong của hai nhánh cầu cong là 20 m, vận tốc quy định chỉ có 20 km/giờ. Thạc sĩ Phạm Sanh, giảng viên Trường Đại học GTVT TPHCM, nhận xét cầu Nguyễn Văn Cừ là một thiết kế gây khó chịu.
Tuy nhiên, theo Khu 1, nếu bán kính cong lớn thì khúc cua đỡ “gắt” hơn nhưng nhánh cầu không thể đáp xuống quận 4 được. Sau những tai nạn ở cầu Thủ Thiêm, ông Hưng cho biết đã rào lan can bằng lưới B40, tăng gờ giảm tốc, lắp biển báo hiệu thật to, dán phản quang, lắp đèn chớp nhoáng để cảnh báo người dân. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tuân thủ tốc độ quy định để bảo vệ tính mạng khi đi qua khúc cua “tử thần” này.

Không phải do thiết kế!

Theo Sở GTVT TPHCM, các vụ tai nạn xảy ra ở cầu vượt Cát Lái đều có nguyên nhân xuất phát từ việc không kiểm soát tốc độ của tài xế, không gài chốt container, không tuân thủ quy định khi chở chất lỏng, không thể nói do thiết kế của cầu.
Trước đây, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước chỉ cảnh báo về lan can cầu quá thấp, sau này đã được nâng lên cao. Còn về độ nghiêng mặt cầu và độ cong của nhánh cầu vẫn bảo đảm đúng thiết kế.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cầu vượt Cát Lái được thi công đúng thiết kế nhưng có thể độ an toàn của cầu theo thiết kế chưa cao. Vì vậy, cần phải tính lại khổ động học của cầu hoặc có phương án phân luồng giao thông lại để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo