Các nhà lãnh đạo đại diện cho lực lượng cảnh sát biển của các nước và vùng lãnh thổ châu Á tại hội nghị. Ảnh: Bích Diệp
17 nhà lãnh đạo đại diện cho lực lượng cảnh sát biển của 17 nước và vùng lãnh thổ châu Á đã tham gia hội nghị, bàn thảo và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, an ninh và an toàn trên biển: Về tranh chấp lãnh thổ, cướp biển, khủng bố, buôn người, động đất, sóng thần, bảo vệ môi trường biển…
Đô đốc Ramon C.Liwag, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Philippines, đánh giá hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động hợp tác giữa cảnh sát biển các nước, tạo điều kiện cho các nước xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin để bảo đảm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và an toàn môi trường biển. Còn theo ông Vajapey Julasri Ramachandra Murthy, người đứng đầu đoàn đại biểu Cục Phòng vệ bờ biển Ấn Độ, các vấn đề an ninh trên biển không thể giải quyết được chỉ bằng sự nỗ lực riêng rẽ của từng quốc gia mà cần sự chung tay của tất cả các quốc gia biển.
Kết thúc hội nghị, đại diện 17 nước và vùng lãnh thổ đã thông qua Tuyên bố chung HACGAM-7, nhất trí thừa nhận nạn cướp biển, cướp có vũ trang là một thách thức an ninh trên thế giới; đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải hành động kiên quyết phù hợp với khả năng của lực lượng bảo vệ bờ biển và pháp luật quốc gia cũng như tầm quan trọng của biện pháp đối phó với cướp biển.
Hội nghị đã nhất trí đề nghị xây dựng một chương trình hành động 5 năm cũng như xem xét kế hoạch chương trình thảo luận tại HACGAM-8 hướng tới an toàn hàng hải, an ninh và bảo vệ môi trường qua những nỗ lực chung của các nước trong việc xây dựng năng lực, biện pháp đối phó chống lại hành vi trái pháp luật, phản ứng chống lại thảm họa thiên nhiên lớn cũng như các hoạt động bảo vệ bờ biển.
Bình luận (0)