xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ronald Haeberle trở lại Mỹ Lai

Bài và ảnh: Hoàng Thu Minh

Năm 27 tuổi, theo bước chân hành quân của lính Mỹ, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle đã chụp bộ ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai kinh hoàng. Tròn 70 tuổi, nay ông có dịp trở lại vùng đất đau thương ngày nào

Cùng trở lại Việt Nam lần này với ông Ronald Haeberle còn có người bạn thân Robert Haward và cha con ông Trần Văn Đức (Việt kiều Đức) - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai (làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) vào sáng 16-3-1968.

Đồng cảm nỗi đau

Ông Đức cho biết ròng rã một năm trời, thông qua các tạp chí, các kênh truyền hình quốc tế, ông mới có thể lần tìm ra địa chỉ nhà riêng của cựu phóng viên ảnh Ronald Haeberle đang sống tại Mỹ. Dù vụ thảm sát Mỹ Lai đã xảy ra cách đây 43 năm nhưng một bức ảnh do ông Ronald Haeberle chụp ngày ấy đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi, chưa thể xác định danh tính hai đứa bé trong ảnh là ai. Ông Đức quả quyết cho rằng chính mình và em gái Trần Thị Hà là hai nhân vật trong bức ảnh kia. Để xác tín thêm lần nữa, ông đã lặn lội từ Đức sang Mỹ gặp Ronald Haeberle.

Trong những ngày lưu lại trên đất Mỹ, bằng những câu chuyện kể về ký ức tuổi thơ đau thương của mình ở vùng đất Mỹ Lai năm xưa, giữa ông Đức và cựu phóng viên ảnh Ronald Haeberle dần dần nảy sinh sự đồng cảm. “Trong lúc bị lính Mỹ bắn bị thương nặng, mẹ bảo tôi ôm em Trần Thị Hà chạy về nhà bà ngoại kẻo bị giết. Nằm sát trên đường làng giữa ruộng lúa, tôi lấy thân che cho em Hà, vừa lết vừa trườn đi trong khói đạn. Cuối cùng, hai anh em về được nhà ngoại nên thoát chết” - ông Đức xúc động nhớ lại.

img
Ông Ronald Haeberle và ông Trần Văn Đức, nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, trước tượng đài chứng tích Sơn Mỹ

43 năm trôi qua, những tấm phim về vụ thảm sát Mỹ Lai, ông Ronald Haeberle vẫn còn cất giữ cẩn thận, chu đáo. Ông đã dùng máy ảnh cơ hiệu Nikon F chụp tất cả 60 bức ảnh (40 ảnh trắng đen và 20 ảnh màu) về vụ thảm sát Mỹ Lai. Với trách nhiệm một phóng viên chiến trường, cuối năm 1969, ông đã gửi 18 bức ảnh trong vụ thảm sát Mỹ Lai lên tạp chí Life và gây chấn động thế giới lúc bấy giờ.

Tại nhà riêng ở Mỹ, ông Ronald Haeberle đã trao tặng ông Đức phiên bản 3 bức ảnh về vụ thảm sát liên quan đến gia đình Việt kiều này: Một bức chụp cảnh anh em Đức trườn đi giữa bờ ruộng; một bức ghi lại lúc bà Trần Thị Tẩu, mẹ Đức, bị lính Mỹ thảm sát và một bức về thi thể mẹ và hai chị em gái của Đức bị thảm sát tập thể giữa đồng cùng với dân làng.

img

Bức ảnh của Ronald Haeberle được ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi

ghi chú là “Trương Bốn che đạn cho Trương Năm”,

sau khi ông Trần Văn Đức lên tiếng thì sửa lại thành “Người anh che đạn cho em”
Mới đây, khi vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 70 của mình, Ronald Haeberle đã quyết định cùng ông Đức trở lại Mỹ Lai. “Năm 2000, tôi có trở lại thăm Mỹ Lai nhưng lúc ấy đi theo diện du lịch. Còn lần này, những câu chuyện của Đức đã gây nhiều xúc cảm trong tôi. Mọi e ngại trong tôi tan biến, thôi thúc tôi trở lại thăm Mỹ Lai” - ông Ronald Haeberle thổ lộ.

Trên những chặng đường tôi đi qua ở miền Trung Việt Nam, đến đâu người dân cũng gần gũi, trẻ thơ cũng cười nói thật hồn nhiên. Chính những hình ảnh nhân văn ấy đã thúc giục tôi phơi bày sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai.

Ronald Haeberle

Từ Mỹ, ông Ronald Haeberle bay sang TPHCM cùng người bạn thân. Cha con ông Trần Văn Đức cũng từ nước Đức bay về TPHCM. Cả 4 người cùng đi trên chuyến ô tô về Quảng Ngãi. Chiều 23-10, Ronald Haeberle đã ghé thăm chiến trường  Đức Phổ - nơi ghi dấu trong ông nhiều kỷ niệm tốt đẹp về làng quê yên bình, lòng người thân thiện, nhất là nụ cười hồn nhiên trẻ thơ khiến cựu phóng viên ảnh chiến trường này khó thể nào quên được.

Day dứt và nhẹ nhõm

Trong 3 ngày (từ 24 đến 27-10), ông Ronald Haeberle đã trở về vùng quê Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, đi thăm những nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, thăm Bảo tàng Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Ký ức đau thương hiện về trong tâm trí của ông như sự việc mới xảy ra.

“Tôi nhớ mãi buổi sáng 16-3-1968. Ngày hôm ấy, đồng lúa khắp nơi trĩu vàng, lính Mỹ tràn vào làng. Trong vòng 4 giờ, họ đã giết hại 504 thường dân vô tội, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Bao nhiêu năm qua, nhiều lần muốn trở lại vùng đất này nhưng tôi day dứt, luôn sợ rằng liệu người dân nơi đây có tha thứ không khi biết tôi là người có mặt vào ngày đó” - Ronald Haeberle tâm sự.

Dưới tiết trời nắng nhẹ yên bình, ông Ronald Haeberle bước đi chậm rãi trên con đường dày đặc vết giày binh lính Mỹ năm xưa, quan sát tỉ mỉ bên căn hầm trú ẩn của người dân, nền nhà đen cháy… được phục dựng lại trong Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Đến bên tượng đài Sơn Mỹ, Ronald dừng lại rất lâu để tưởng niệm 504 thường dân vô tội. Vào bảo tàng, ông lần lượt xem từng bức ảnh do chính mình chụp năm xưa. Đây là bức ảnh người anh che đạn cho em, vừa trườn trên bờ ruộng lúa tránh đạn. Kia là bức ảnh binh lính tra khảo dân làng trước khi thảm sát tập thể.  Tấm ảnh nọ ghi lại cảnh lính Mỹ ném lựu đạn, đốt nhà người dân…

img
Ông Trần Văn Đức diễn tả lại cảnh ông che đạn cho em gái Trần Thị Hà trong vụ thảm sát
“Lúc ấy, tôi có mặt trong nhiều cuộc hành quân ở miền Trung Việt Nam để ghi lại những gì mà quân đội Mỹ đã làm. Cho đến bây giờ, tôi không dám tin những bức ảnh kinh hoàng ấy là sự thật. Trên những chặng đường tôi đi qua ở miền Trung Việt Nam, đến đâu người dân cũng gần gũi, trẻ thơ cũng cười nói thật hồn nhiên. Chính những hình ảnh nhân văn ấy đã thúc giục tôi phơi bày sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng” – ông Ronald Haeberle bộc bạch.

Đối lập với hình ảnh tang thương năm xưa, Mỹ Lai hôm nay phủ kín màu xanh của ruộng đồng, cây trái. Ông Ronald Haeberle đã về thăm biển Mỹ Khê, chứng kiến những đổi thay của cuộc sống người dân miền biển nơi đây. Điều làm Ronald Haeberle bất ngờ nhất và nhẹ nhõm trong lòng là khi ông đi đến đâu, người dân cũng mở lòng đón chào với nụ cười lạc quan, yêu đời. “Tôi thật sự cảm phục người dân Sơn Mỹ, họ có nghị lực phi thường khi vượt qua mất mát, biến mảnh đất đau thương hồi sinh, phát triển như ngày nay” - ông thán phục.

Tình nguyện làm “sứ giả hòa bình”

Sau chuyến về thăm Mỹ Lai, ông Ronald Haeberle đã trở lại TPHCM và đạp xe vòng quanh thăm đồng bằng sông Cửu Long.

“Tôi hứa sẽ trở lại Sơn Mỹ trong thời gian sớm nhất và tặng thêm ảnh về đề tài chiến tranh, nhất là những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai để giới thiệu cho mọi người hiểu thêm, đừng lặp lại nỗi đau này thêm lần nào nữa. Trở về Mỹ, tôi tình nguyện làm “sứ giả hòa bình” để kể với bạn bè, cựu binh  từng tham chiến ở Việt Nam rằng đất nước này hôm nay đã thay đổi nhiều, lòng người luôn rộng mở với bạn bè thế giới”- ông Ronald Haeberle xúc động.

Gây sốc toàn thế giới

Thảm sát Mỹ Lai hay thảm sát Sơn Mỹ là một tội ác chiến tranh của Lục quân Mỹ gây ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam vào ngày 16-3-1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi. Nghi làng Mỹ Lai nuôi giấu Việt cộng, các đơn vị lính Lục quân Mỹ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em (Lục quân Mỹ về sau thừa nhận chỉ giết hại 347 dân thường trong vụ này). Vụ việc đã bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Mỹ nào bị kết tội sau vụ thảm sát.

Sự kiện kinh hoàng này đã gây sốc đối với dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới, hâm nóng phong trào phản chiến và là một trong các nguyên nhân dẫn tới sự triệt thoái của quân đội Mỹ khỏi Việt Nam năm 1972.

Q.Huy

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo