Từ ngày 1-7, Luật Thi hành án (THA) hình sự đã có hiệu lực nhưng đến ngày mai, 1-11, Nghị định 82/2011 của Chính phủ về quy trình, thủ tục THA tử hình bằng tiêm thuốc độc mới có hiệu lực. Điều này khiến tất cả những trường hợp lãnh án tử hình từ ngày 1-7 đang phải chờ ngày hành quyết.
Xây 8 nhà tiêm thuốc độc
Cuối tuần qua, Tổng cục THA hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Tổng cục VIII - Bộ Công an đã có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các biện pháp nhằm sớm đưa hình thức THA tử hình bằng tiêm thuốc độc vào áp dụng theo đúng quy định. Theo một lãnh đạo Tổng cục VIII, do còn nhiều công việc, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện nên THA bằng hình thức tiêm thuốc độc chưa thể thực hiện ngay từ ngày 1-11.
Nếu Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, Nguyễn Đức Nghĩa sẽ phải bị tử hình bằng tiêm thuốc độc. Ảnh: Nguyễn Quyết
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết dự thảo đề án triển khai thực hiện THA tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vẫn đang được Bộ Công an xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao cũng sẽ phối hợp xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về quy trình, biện pháp thực hiện THA theo phương pháp mới.
Một lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục Theo dõi THA hình sự và Hỗ trợ tư pháp (C83) - Tổng cục VIII cho biết trong báo cáo gửi tới Chủ tịch nước, Bộ Công an nêu quan điểm giống với những gì đã báo cáo Chính phủ: Xây dựng 5 nhà THA tử hình đầu tiên trên cả nước tại Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Đắk Lắk và Sơn La. Năm địa phương này được lựa chọn vì nằm trải dài trên các vùng miền của cả nước và thống kê của Tổng cục VIII cũng cho thấy hằng năm có số trường hợp tử hình thuộc diện nhiều nhất. Bộ Quốc phòng cũng dự kiến xây 3 nhà THA tử hình bằng tiêm thuốc độc tại 3 vùng miền.
Điểm giống nhau trong số 8 nhà tiêm thuốc độc đầu tiên trên cả nước là đều được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xây dựng trong khuôn viên của các trại tạm giam. Tại Hà Nội, Bộ Công an đã chọn Trại Tạm giam số 1 (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm). Theo một cán bộ tham gia xây dựng đề án quy trình THA tử hình bằng tiêm thuốc độc, sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, phạm nhân tại các địa phương sẽ được chuyển tới các nhà THA tử hình gần nhất để tiêm thuốc độc theo đúng quy định, trình tự. Do số lĩnh án tử hình hằng năm không nhiều và không THA cùng lúc nên theo nhận định của Tổng cục VIII, việc vận chuyển cũng không quá khó khăn, phức tạp.
Hơn 360 người chờ án tử
Bộ Y tế được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối nhập khẩu, cung cấp các loại thuốc độc để THA tử hình. Đây đều là các loại thuốc đã được Bộ Y tế nhập khẩu, kiểm định và cho phép sử dụng trong nhiều bệnh viện trong nước với liều lượng, chỉ định nghiêm ngặt.
Theo quy định tại điều 59 Luật THA hình sự, trước khi THA, Hội đồng THA tử hình phải kiểm tra danh bản, chỉ bản, hồ sơ lý lịch của người chấp hành án tử hình. Trường hợp người chấp hành án là nữ thì hội đồng phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không THA tử hình theo quy định của Bộ Luật Hình sự. Trước khi bị tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.
Theo thông tin từ Tổng cục VIII, hiện có hơn 363 tù nhân mang án tử hình chờ THA trên cả nước. Trong số các tử tù đang chờ ngày THA tử hình có Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ cắt cổ người yêu rồi phi tang thi thể nạn nhân và cướp của, nếu đơn xin ân xá của y bị Chủ tịch nước bác bỏ.
Truyền 3 loại thuốc Theo quy định, ban đầu, cán bộ THA sẽ truyền thuốc gây mê Sodium thiopental; sau đó là thuốc làm liệt hệ thần kinh, cơ bắp buông lỏng Pancuronium bromide; cuối cùng thuốc ngừng hoạt động của tim Potassium chloride sẽ được truyền cho tử tù. Cán bộ THA thực hiện toàn bộ quy trình với sự hỗ trợ của bác sĩ trong khâu xác định tĩnh mạch. Mỗi trường hợp tử hình, cán bộ THA phải chuẩn bị 3 liều thuốc, trong đó 2 liều dự phòng nếu tiêm rồi mà tử tù chưa chết. Dù Tổng cục VIII cho biết mô hình THA tử hình này được tham khảo từ nhiều nước nhưng đến nay cũng chưa rõ trong quá trình THA, người nhà nạn nhân có được theo dõi qua nhà kính hay không.
Bình luận (0)