xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sẽ có Ủy ban Tái cơ cấu?

Phạm Dương thực hiện

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu Ủy ban Tái cơ cấu được thành lập, Thủ tướng sẽ là người đứng đầu vì đây là cuộc cách mạng về mô hình tăng trưởng

* Phóng viên: Thưa ông, trong những kiến nghị về vấn đề tái cơ cấu từ một hội thảo khoa học được Ủy ban Kinh tế tập hợp gửi tới các đại biểu Quốc hội (QH) có đề nghị lập Ủy ban Tái cơ cấu do Thủ tướng đứng đầu?

img

- TS Nguyễn Đức Kiên: Đây là việc rất hệ trọng vì tái cơ cấu cả nền kinh tế một quốc gia chứ không chỉ là một doanh nghiệp hay ngành kinh tế nào. Nó sẽ tác động tới cả 63 tỉnh, thành. Là cuộc cách mạng về mô hình tăng trưởng nên tái cơ cấu đòi hỏi một bộ máy điều hành đủ mạnh và chuyên sâu để đảm đương. Thủ tướng là người điều hành cao nhất về mặt hành chính của Nhà nước, đương nhiên sẽ phải đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Ủy ban Tái cơ cấu nếu được thành lập.

* Ai cũng đề cập tái cơ cấu, theo ông, đâu có thể là “đột phá khẩu”?

- Chính phủ đã xác định tái cơ cấu từ đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, nếu dừng ở đó thì vẫn rất vĩ mô. Tái cơ cấu phải áp vào từng ngành, từng địa phương với những công việc, việc làm và “địa chỉ” cụ thể. Sẽ không còn cảnh các địa phương đua nhau phát triển công nghiệp mà họ phải dựa trên lợi thế của mình để tập trung phát triển công nghiệp, nông nghiệp hay dịch vụ thương mại… Như vậy, cần tái cơ cấu từ quy hoạch phát triển đất nước và nguồn lực của Nhà nước, tức là sửa Luật Ngân sách Nhà nước. Hình thức phân bổ vốn đầu tư công cũng phải theo nhiệm vụ chính trị được giao và lợi thế so sánh của từng địa phương, ngành chứ không phải “chia đều” theo dân số.

img

Việc tái cấu trúc ngân hàng đã được thực hiện với những biện pháp mạnh. Ảnh: TẤN THẠNH

* Ông có thể cho biết khi nào bắt đầu tái cơ cấu?

- Qua một ngày rưỡi thảo luận tại QH về các vấn đề kinh tế - xã hội (ngày 27 và sáng 28-10), có thể thấy vấn đề nóng được nhiều đại biểu QH đề cập là tái cơ cấu và yêu cầu phải thực hiện ngay. Tái đầu tư công phải thể hiện ngay trong việc phân bổ vốn Nhà nước được QH quyết trong tháng 11 này. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ phân bổ vốn đầu tư công về các địa phương, ngành. Tiếp đó, HĐND các địa phương sẽ họp để quyết định chia số vốn được phân bổ.

* Ông có cho rằng ngân hàng là khu vực ưu tiên để tái cấu trúc?

- Ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt vì nó là cầu nối giữa người dân và nền kinh tế. Việc tái cấu trúc ngân hàng thực ra đã được thực hiện thời gian qua với những biện pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề lãi suất. Tiêu chí đầu tiên đánh giá và yêu cầu ngân hàng tái cơ cấu là bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống. Có thể Nhà nước đứng ra mua lại cổ phần của ngân hàng không bảo đảm tính thanh khoản, làm cho nó lành mạnh lên rồi bán đi hoặc khuyến khích ngân hàng mua lại…

* Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cái khó nhất trong tái cấu trúc ngân hàng là động chạm tới lợi ích nhóm?

- Có ai làm kinh doanh mà không vì lợi ích? Với các ngân hàng cổ phần, tất cả cổ đông đều có lợi ích của mình. Họ phải có những động thái để bảo vệ nguồn thu và không muốn mất lợi nhuận của cá nhân. Lợi ích nhóm là có và chúng ta phải chấp nhận nó là một yếu tố cần tính tới trong công tác tái cấu trúc.

* Trong các kiến nghị có điểm đáng chú ý là tăng cường vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ?

- Điều này nằm trong lộ trình về cải cách ngân hàng đã được Bộ Chính trị phê duyệt với xu hướng sẽ để Ngân hàng Nhà nước độc lập tương đối với điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước trong lộ trình này trước hết là kiềm chế lạm phát, dần dần ổn định giá trị VNĐ. Khi đất nước đã chuyển sang giai đoạn mới, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước cũng phải thay đổi cho phù hợp.

* Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước phục vụ sự phát triển của cả nền kinh tế hơn là điều hành kinh tế của Chính phủ?

 - Hình thành Ngân hàng Nhà nước để phục vụ sự phát triển của đất nước chứ không được tách ra làm một cơ quan kinh doanh tiền tệ thuần túy. Ở nước ta, nếu không tăng trưởng là vô cùng khó khăn nên nhiệm vụ của cả hệ thống Nhà nước là phải phục vụ cho tăng trưởng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm cho sự tăng trưởng và ổn định của kinh tế vĩ mô.

Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Hôm nay (31-10), QH bước sang tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ hai. Theo lịch trình, QH sẽ thảo luận tại tổ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020.

Trong tuần, QH sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như việc thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng; chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015; chương trình giám sát của QH năm 2012 và chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của QH khóa XIII.

Về nội dung lập pháp, QH bắt đầu nghe và thảo luận 13 dự án luật gồm: Luật Cơ yếu, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quảng cáo, Luật Giá, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Đáng chú ý, QH sẽ nghe và thảo luận về dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi), dự án Luật Công đoàn và dự án Luật Giáo dục đại học.
T.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo