Liên tục trong thời gian gần đây, Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện hàng loạt doanh nghiệp sử dụng phần mềm lậu.
Sai phạm tràn lan
Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp tại Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Xây dựng và Kiến trúc Á Châu (tòa nhà JSC 34 Lê Văn Lương, Thanh Xuân - Hà Nội). Tại đây, ngoài các phần mềm được mua bản quyền đã tìm thấy rất nhiều phần mềm sao chép như Autodesk 3D MAX, AutoCAD; LacViet MTD 2002, Adobe Acrobat, Adobe Photoshop CS, Window XP và Window Office.
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho hay từ đầu năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh tra tại 50 doanh nghiệp, chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, với tổng số 2.000 máy tính. Đáng nói là hầu hết doanh nghiệp này đều sử dụng phần mềm máy tính không hợp pháp, trị giá gần 490.000 USD. Đáng nói là tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính còn khá phổ biến, nó không chỉ ở những doanh nghiệp của Việt Nam mà rất nhiều doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Còn ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL), cho rằng hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền sở hữu trí tuệ, do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Thiệt hại khó lường hết
Theo ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương, lo ngại đối với doanh nghiệp Việt Nam là việc nghị viện các bang Washington và Louisiana đã thông qua một đạo luật mới có tên là “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” từ tháng 6-2011, nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng việc sử dụng phần mềm không bản quyền, đã gióng lên hồi chuông cho các doanh nghiệp Việt Nam về những hệ lụy do các hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm gây ra.
Theo ông Phú, luật này được ban hành nhằm mục đích ngăn chặn việc sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền ở nước ngoài bằng cách gây sức ép với nhà phân phối tại Mỹ yêu cầu các nhà xuất khẩu ở nước thứ 3 chấm dứt việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp trong toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình từ khâu kho bãi, vận chuyển, hệ thống kiểm toán, kế toán… Đối tượng áp dụng của luật này bao gồm tất cả sản phẩm được sản xuất trực tiếp từ các phần mềm hay thiết bị vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm được sản xuất từ người sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phân phối, quảng bá hoặc bán sản phẩm. “Không thể chắc chắn được rằng luật này chỉ áp dụng trong 2 bang Washington và Louisiana mà không lan khắp nước Mỹ, thậm chí các nước phát triển khác” – ông Phú lo ngại.
Theo phân tích của ông Phú, trong trường hợp Cơ quan Điều tra Mỹ (Bộ Thương mại Mỹ - DOC) áp dụng đạo luật này trong các vụ điều tra chống bán phá giá, DOC có thể cộng thêm các chi phí sản xuất thực tế (do DOC tính toán) do doanh nghiệp phải sử dụng các sản phẩm phần mềm có bản quyền (chi phí thiết kế, quản lý, tiếp thị…), từ đó làm cho chi phí sản xuất sản phẩm bị đẩy lên cao, dẫn đến nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc biên độ phá giá cao hơn.
Nguy cơ không vào được thị trường Mỹ Theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đa số là nhỏ và vừa, vì vậy chi phí bản quyền phần mềm sẽ chiếm tỉ trọng khá cao trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của sản phẩm; các doanh nghiệp sản xuất cũng như phân phối không đáp ứng được việc xuất trình giấy chứng nhận về bản quyền phần mềm sẽ có nguy cơ không thể xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may và dụng cụ thể thao. Theo ông Phú, tác động lớn thứ hai đó là tăng nguy cơ bị áp biên độ phá giá cao hơn trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. B.Trân |
Bình luận (0)