xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chật vật đưa hàng vào siêu thị

Đông Nghi

Tốn kém, bị bắt chẹt… nhưng đa số doanh nghiệp phải cắn răng chấp nhận tất cả yêu sách để được bán hàng trong siêu thị

img
Chi phí đưa hàng vào siêu thị cao khiến nhiều mặt hàng bán trong siêu thị bị đội giá. Ảnh: Hồng Thúy
Nhà cung cấp quá đông, trong khi siêu thị chưa nhiều và diện tích các siêu thị hạn chế nên mỗi tấc đất trong siêu thị là một “tấc vàng”. Ngoại trừ những doanh nghiệp (DN) lớn, doanh số cao được các siêu thị mở rộng cửa chào đón thì rất nhiều đơn vị, nhất là DN nhỏ và vừa, phải rất chật vật để đưa hàng vào siêu thị.

Cửa trước, “cửa sau” đều có

Điều kiện để nhà cung cấp đưa hàng vào các siêu thị gần như tương tự nhau, cơ bản gồm: hàng chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp với thị hiếu người tiêu dùng, chiết khấu hấp dẫn, đầy đủ giấy tờ, hóa đơn GTGT, thanh toán chậm…

Chị Yến, trưởng phòng kinh doanh một công ty bánh kẹo tại TPHCM, cho biết dù có đầy đủ cả giấy tờ nhưng “ngoại giao” kém thì chờ “dài cổ” vẫn không ký được hợp đồng đưa hàng vào siêu thị.

Anh Nghĩa, trưởng đại diện khu vực TPHCM của một công ty bánh kẹo, cho biết: “Tôi làm mảng siêu thị gần 10 năm nên chào hàng, đưa hàng mới vào các siêu thị đã rất nhiều lần. Tuy nhiên, thường  mỗi siêu thị phải “vào” bằng một cách khác nhau; cửa chính có, “cửa sau” có. Cũng có những trường hợp “thua trắng” vì chào hàng đầy đủ, chờ đợi mỏi mòn mới biết người mà mình “giao dịch” vừa nghỉ làm, người khác lên thay. Thế là lại… “đầu tư” từ đầu”.

Nhiều DN tại TPHCM cho hay để đưa được hàng vào một số siêu thị, con đường nhanh nhất là phải quen biết, không thì cứ theo lệ “lót tay”, hồ sơ mới được giải quyết sớm. Như trường hợp công ty chị Yến, cung cấp mặt hàng bánh tươi dù đầy đủ giấy tờ, đã “lót tay” cho cán bộ phòng mua của siêu thị C. nhưng hồ sơ vẫn không được trình duyệt với lý do: “Không biết bố trí ở khu vực bánh tươi hay bánh công nghiệp”. Đến khi một lãnh đạo siêu thị này nói giúp vài lời thì mọi việc mới trơn tru.

Với những siêu thị lớn như B., C., F., khi chào sản phẩm mới phải đóng phí tạo mã từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/mã (tùy siêu thị). Trường hợp không thu phí tạo mã thì DN cũng phải tốn một khoản phí “ngoại giao” mới đưa được hàng vào. Ngoài những khoản trong hợp đồng, còn có những khoản phí không tên dành cho các trưởng ngành hàng, nhân viên phụ trách quầy, thủ kho, giám sát kho để hàng không bị bỏ bê. 

Chiết khấu “ăn” hết lãi

Một cái khó khác của DN là chiết khấu rất cao, cộng với các khoản phí cố định đã được nhà bán lẻ liệt kê cụ thể. Đưa chúng tôi xem bảng chiết khấu của các siêu thị lớn năm 2011, chị Minh, chủ một DN trên địa bàn quận 6 - TPHCM, nói: “Tại siêu thị M., phí hỗ trợ quảng cáo là 6,7%, thưởng thêm 1,8%, doanh số đạt 1 tỉ đồng là 1,2%, đạt 5 tỉ đồng là 5,2%, chi phí thuê kệ 0,35%, hỗ trợ sửa kho, khai trương khoảng 0,7% - 5,3%... Với hệ thống siêu thị B., chiết khấu quý cho trung tâm thu mua là 2,25%, cho từng siêu thị là 4,5%, tham gia chương trình khuyến mãi 1,75%, hỗ trợ sinh nhật cửa hàng 2 triệu đồng, hỗ trợ mở rộng siêu thị 1 triệu đồng, chiết khấu doanh số từ 1% - 5,3%...”. Chiết khấu cao mà còn tăng đều hằng năm. Ngoài ra, mỗi lần chi phí đầu vào như điện, nước tăng…, siêu thị lập tức đòi tăng chiết khấu, buộc DN hỗ trợ phí vận chuyển… “Với những khoản chi chóng mặt này, nếu không khéo tính toán thì lợi nhuận của DN cũng không đủ để bù chi phí nên buộc lòng DN phải cộng các chi phí này vào giá thành. Đây cũng là lý do giá không ít mặt hàng trong siêu thị cao so với giá chợ”- chị Minh than.

Nhiều DN còn cho rằng: Đưa hàng vào siêu thị đã khó nhưng để duy trì được cũng khó không kém vì sau 3 – 6 tháng (Co.opMart) hoặc một năm (BigC)…, doanh số không đạt thì siêu thị không bán nữa. Ngay cả khâu thanh toán, DN cũng bị “hành”. Mặc dù DN đều có trích phần trăm khi siêu thị thanh toán, đúng hạn nhưng hầu hết siêu thị đều thanh toán tiền hàng sau 30-45 ngày, thậm chí lên đến 60 ngày; mỗi siêu thị quy định một ngày thanh toán nên cứ đến ngày đó, nhà cung cấp kéo nhau đến xếp hàng để lấy tiền. Có người phải đi vài lần mới đòi được tiền hàng.

Khó cạnh tranh với hàng nhãn riêng

Nhiều DN còn bức xúc vì không thể cạnh tranh lại hàng nhãn riêng của các siêu thị. Tại một số siêu thị, sản phẩm của nhà cung cấp phải chen chúc nhau trong diện tích rất nhỏ, trong khi hàng cùng loại nhãn riêng của siêu thị thì chiếm những vị trí hoành tráng. Giám đốc một DN may mặc cho biết trước đây, hàng của DN anh bán trong siêu thị C. rất tốt. Tuy nhiên, từ khi siêu thị C. có hàng may mặc nhãn riêng thì hàng của anh bị xếp vào góc khuất, không đủ doanh số và cuối cùng bị “đẩy” ra khỏi siêu thị.

Cùng với chiến lược mở rộng hàng nhãn riêng của các siêu thị, một bộ phận nhà cung cấp đang phải trở thành đơn vị gia công hàng cho siêu thị. Đại diện nhiều siêu thị cho rằng đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi nhưng không ít DN gia công hàng nhãn riêng cay đắng thừa nhận: “Không dễ nuốt!”. Phó giám đốc một DN sản xuất nước chấm than: “Thương lượng giá trong gia công hàng nhãn riêng rất mệt mỏi vì siêu thị luôn ép giá. Nếu không tính toán kỹ, DN dễ rơi vào tình trạng tự cạnh tranh với chính hàng của mình để rồi tự đào thải”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo