Nhiều phụ huynh rất bức xúc với các khoản phải “tự nguyện” đóng góp cho nhà trường. Ảnh: Tấn Thạnh
Không ai dám lên tiếng
Bà N.T.A, phụ huynh Trường Mầm non Rạng Đông 14, quận 6-TPHCM, cho biết năm nay, nhà trường đánh máy sẵn danh sách lớp, bắt phụ huynh biểu quyết đóng quỹ 360.000 đồng (40.000 đồng/tháng). “Năm vừa qua, quỹ phụ huynh của trường bị tiêu xài những khoản rất vô lý. Trong 37 khoản chi thì có đến 11 khoản không chấp nhận được, như: lắp cáp internet, mua máy vi tính để bàn, máy vi tính xách tay, mua hoa tặng lễ khánh thành Trường Hùng Vương, mua gas…, thậm chí chi hỗ trợ khen thưởng phòng GD-ĐT quận” – bà A. bức xúc.
Theo nhiều phụ huynh Trường Mầm non Rạng Đông 14, những khoản này đã được ngân sách Nhà nước cấp hoặc họ đã đóng thông qua tiền bán trú, cơ sở vật chất… Trong khi đó, bà Lê Mộng Thị Xuân Hoàng, hiệu trưởng nhà trường, cho rằng những khoản chi nêu trên đều do ban đại diện cha mẹ học sinh quyết định. Trường xin là một chuyện, còn phụ huynh có “tự nguyện” hay không thì còn tùy thuộc ban đại diện!
Tại Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình - TPHCM, nhiều khoản chi, mức chi được đưa ra rất vô lý. Quỹ phụ huynh của trường lại dùng để hỗ trợ lương giáo viên dạy lớp bán trú đến 46,8 triệu đồng. Một thành viên ban giám hiệu nhà trường cho rằng do thù lao giáo viên dạy buổi 2 thấp nên phụ huynh hỗ trợ thêm. “Chúng tôi phải đóng quỹ 70.000 đồng/tháng. Gọi là tự nguyện nhưng tháng nào chúng tôi cũng phải cắn răng đóng, nếu không sẽ bị giáo viên gọi đến nhắc nhở. Người nào cũng ngại vì con em mình đang học nên không ai dám lên tiếng” - một phụ huynh phân trần.
Quỹ phụ huynh được thu là nhằm hỗ trợ trực tiếp cho việc học của học sinh nhưng nhiều trường lại tiêu xài rất thoải mái. Tại Trường THCS Độc Lập, quận Phú Nhuận - TPHCM, phụ huynh học sinh bị bắt buộc “tự nguyện” đóng quỹ 30.000 đồng/tháng. Quỹ trường, quỹ lớp được trường thu gộp với học phí, tiền ăn, tiền phục vụ bán trú...
“Xé rào” thu thêm
Trong 8 trường mà Sở GD-ĐT TPHCM và Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TP kiểm tra mới đây, có đến 5 trường thực hiện các khoản thu sai quy định.
Công văn của Sở GD-ĐT TPHCM về thu, sử dụng học phí, tiền cơ sở vật chất, thu khác năm học 2011 - 2012 nêu rõ Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện thu học phí theo mức đã trình trong đề án được UBND TP chấp thuận (thực hiện mô hình trường chất lượng cao theo chuẩn quốc tế). Khi thực hiện mô hình thu học phí cao, sở cam kết trường này không dạy thêm, học thêm, không thu khoản tiền khác ngoài học phí. Tuy nhiên, trường đã “xé rào” thu thêm các khoản đầu năm. Ngoài mức học phí 890.000 đồng/tháng áp dụng cho học sinh khối 10, 850.000 đồng/tháng khối 11, trường còn thu thêm tiền in đề thi, giấy thi kiểm tra học kỳ và một số khoản theo công văn của sở.
Ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, lý giải trường thu các khoản đầu năm do giá cả thị trường tăng, các khoản này cũng đã được phụ huynh đồng ý và trường thu theo giá Nhà nước chứ không thu dư. “Khi đoàn kiểm tra xác định các khoản thu này không phù hợp, chúng tôi trả lại hết cho học sinh”- ông Phiệt cho biết. Tuy nhiên, đến ngày 2-11, một số phụ huynh khẳng định vẫn chưa được trường trả lại các khoản này. “Nếu đoàn kiểm tra không phát hiện thì các khoản lạm thu này sẽ về đâu?”- một phụ huynh thắc mắc.
Tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, 10 phòng học được trang bị 10 máy chiếu không thuộc các khoản thu trong công văn của sở. Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp) thu nhiều khoản sai quy định như bảo hiểm tai nạn, nha học đường, mua 5 bộ màn hình LCD và đầu máy vi tính. Một trong những chiêu để dễ dàng “móc túi” phụ huynh là các trường này không cụ thể hóa các khoản thu bắt buộc và tự nguyện, do vậy nhiều người vẫn mang tiếng “tự nguyện” nhưng không đóng không xong. Kết quả kiểm tra cũng nêu rõ khi làm việc với ban đại diện cha mẹ học sinh,nhà trường chưa cụ thể hóa các khoản thu.
Phải đúng nghĩa tự nguyện Theo Sở GD-ĐT TPHCM, tổng kết hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các trường tại TP cho thấy số tiền các trường thu được của phụ huynh trong năm qua là trên 200 tỉ đồng, tương đương 5,4% ngân sách của TP đầu tư cho giáo dục. “Ban đại diện cha mẹ học sinh cần hết sức quan tâm, lắng nghe ý kiến từng phụ huynh, tránh áp đặt, bỏ qua những bức xúc của họ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt hơn, xử lý tiêu cực trong thu, chi, quản lý quỹ phụ huynh để hai chữ tự nguyện trở về đúng với ý nghĩa đáng trân trọng của nó” – ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhìn nhận. |
Bình luận (0)