Dọc tuyến Quốc lộ 9 (Quảng Trị) có rất nhiều trạm kiểm soát nhưng mỗi ngày, hàng lậu vẫn tràn qua cửa khẩu với khối lượng lớn.
Nhiều “chiêu” qua trạm kiểm soát
Chợ Ka Rôn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet (Lào), cách cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa - Quảng Trị) chưa đầy 2 km, dù không sầm uất nhưng nơi đây có đủ các mặt hàng do Lào và Thái Lan sản xuất.
Hàng hóa ở đây được các đầu nậu thuê người vận chuyển bằng thuyền máy chạy dọc sông Sê Pôn, chờ cơ hội thuận lợi chuyển lên bờ rồi đưa vào Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Sông Sê Pôn là đường ranh giới giữa Việt Nam và Lào với chiều dài khoảng 20 km, địa hình rừng núi phức tạp. Dọc tuyến sông này có rất nhiều điểm tập kết, vận chuyển hàng lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đội quân “cửu vạn” ở Lao Bảo (Quảng Trị) chuẩn bị đưa hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Ảnh: QUANG NHẬT
Để đưa hàng về nội địa, các đầu nậu sử dụng xe khách được gia cố hầm chứa nhằm qua mặt lực lượng kiểm tra. Tuy nhiên, cách an toàn và được sử dụng “truyền thống” vẫn là thuê các đội quân cửu vạn đi theo đường tiểu ngạch để qua các trạm kiểm soát.
Hàng nội thẩm lậu
Không chỉ các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài, các mặt hàng sản xuất trong nước như điện thoại di động, sữa, bia, rượu… sau khi vào Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo cũng được thẩm lậu về nội địa.
Theo Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, trong năm 2011, đơn vị này đã bắt 92.815 hộp sữa tươi tiệt trùng sản xuất tại Việt Nam đưa lậu về nội địa.
Ngoài ra, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT khi hàng vào Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, nhiều doanh nghiệp đã khai khống số lượng để hưởng thuế. Điển hình là vụ bắt giữ lô hàng khai khống trị giá hơn 300 triệu đồng của Công ty TNHH Thời trang Nhật Minh Anh (Quảng Trị) vào ngày 8-6.
Theo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 687 vụ vi phạm pháp luật với trị giá trên 10 tỉ đồng, tăng 15,27% về số vụ và 11,65% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã khởi tố 1 vụ, chuyển hồ sơ 1 vụ cho Bộ Công an tiếp tục điều tra.
Trùm giấu mặt, cửu vạn liều lĩnh
Những ngày cuối tháng 10-2011, phóng viên Báo Người Lao Động có mặt tại những điểm nóng vùng giáp ranh biên giới Long An với Campuchia để tìm hiểu tình hình buôn lậu nơi đây.
Anh T., một người từng làm cửu vạn, tình nguyện dẫn chúng tôi đi chứng kiến từng đoàn xe máy phóng bạt mạng trên các con đường đá đỏ, mang theo những thùng thuốc lá. Qua khỏi ngã ba Mỹ Hạnh (huyện Đức Hòa – Long An), trước mắt chúng tôi là một đoàn xe máy phóng như bay với người ngồi sau vác đai hàng trên lưng. Đây là đoàn xe chở thuốc lá lậu từ Campuchia về TPHCM tiêu thụ. Dân buôn lậu lúc ẩn lúc hiện, họ đi từng tốp và được tổ chức chặt chẽ.
Anh T. cho biết các trùm buôn lậu chỉ đạo đường đi, nước bước cho lực lượng cửu vạn thông qua điện thoại di động chứ không bao giờ lộ diện. Trong khi đó, cửu vạn đều là dân địa phương nên thông thạo địa bàn và điều khiển xe rất táo bạo. “Họ còn kiểm soát ngược lại hoạt động của cơ quan chức năng bằng cách cắt cử người canh gác trước nhà và cơ quan của những người thực thi công vụ” – anh T. nói. Theo anh T., có hai đường vận chuyển thuốc lá lậu từ Long An về TPHCM tiêu thụ. “Hàng được tập trung ở các xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây của huyện Đức Huệ. Đường bộ thì đi theo Tỉnh lộ 2, 8, 7 vào Quốc lộ 22 rồi về các huyện Củ Chi, Hóc Môn - TPHCM. Đường thủy thì đi theo sông Vàm Cỏ Đông, qua kênh Thầy Cai…” - anh T. chỉ dẫn.
Theo Chi cục QLTT tỉnh Long An, mỗi ngày, có từ 150.000 - 200.000 gói thuốc lá nhập lậu qua đường biên giới tỉnh này. Chỉ trong tháng 9-2011, lực lượng chức năng đã bắt giữ 78.000 gói thuốc lá. Nếu tính các lực lượng chức năng thì 9 tháng đầu năm nay đã bắt và tịch thu gần 1,2 triệu gói thuốc lá lậu.
Khi bị truy đuổi, các “cửu vạn” bỏ xe và hàng chạy trốn. Lực lượng chức năng rất khó truy bắt vì họ sử dụng xe không rõ nguồn gốc.
Khó xử lý Mặc dù cách thức hoạt động của tội phạm buôn lậu diễn ra khá công khai, rầm rộ và xuất hiện trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, lý giải: “Dọc hai bên cánh gà cổng B của khu thương mại có rất nhiều đường tiểu ngạch trong khi lực lượng chúng tôi lại quá mỏng nên không thể tuần tra, bắt giữ thường xuyên các vụ buôn lậu ở đây.
Mặt khác, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng quy định về thông thương hàng hóa giữa Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo về nội địa nhằm chia nhỏ giá trị hàng hóa trên đầu người, gây khó khăn cho chúng tôi khi xử lý”.
Ông Trần Xuân Thành thừa nhận lực lượng hải quan Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các trang thiết bị không đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng chống buôn lậu. “Sự phối hợp giữa lực lượng hải quan, công an và biên phòng còn nhiều hạn chế” – ông cho biết. |
Kỳ tới: Hàng Trung Quốc tràn ngập
Bình luận (0)