Trời chạng vạng tối, các con đường ở thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế vắng lặng không một bóng người. Những căn nhà cửa đóng then cài, chỉ còn vài bóng đèn điện le lói giữa màn đêm tĩnh mịch. Ở thôn nghèo này, đa số người dân đều là ngư phủ và họ thường bắt đầu ra phá Tam Giang mưu sinh khi màn đêm buông xuống.
Cha truyền con nối
Mặc gió rít từng cơn se lạnh, chiếc xuồng nhỏ của vợ chồng ông La Hợi và bà Trần Thị Hiền vẫn lướt đi dưới làn mưa nặng hạt trên phá Tam Giang. Từ khi lấy nhau, chỉ trừ những hôm mưa to gió lớn hay lễ Tết, sau bữa cơm chiều hằng ngày là vợ chồng ông Hợi lại rời căn nhà tạm bợ nép mình bên cảng cá Thuận An, cùng nhau đi bủa lưới.
Ngư phủ bắt đầu mưu sinh trên phá Tam Giang khi trời gần tối
Trời mùa đông, đêm mịt mùng như phận đời ngư phủ ở đây. Từ trên bờ nhìn ra phá Tam Giang, chúng tôi chỉ thấy ánh sáng nhỏ giọt của chiếc đèn pin. Ra gần tới của biển Thuận An, ông Hợi cho chiếc xuồng lướt nhẹ ngược dòng nước để bà Hiền từ từ buông lưới đánh cá.
Thả lưới xong, vợ chồng họ lại chèo xuồng lượn quanh chỗ bủa lưới và dùng mái chèo gõ mạnh vào mạn xuồng. Tiếng lốc cốc vọng ra giữa đêm khuya thanh vắng rõ mồn một. “Phải mần rứa để cá sợ, chạy vô lưới. Mình ở trên ni nghe rứa chứ ở dưới nước, âm thanh truyền đi mạnh lắm. Cách ni đời ông cha tui truyền lại” - ông Hợi lý giải.
Gần 22 giờ, giữa sóng nước mênh mông gần cửa biển, tiếng lốc cốc từ hàng chục chiếc xuồng đánh cá đêm của ngư phủ mỗi lúc càng lớn. Khi việc bủa lưới và gõ vào xuồng đuổi cá xong, trong khi chờ gỡ cá, họ lại chèo xuồng tới neo đậu ở một cái lăng nằm giữa phá để tạm nghỉ ngơi. Nhiều người tranh thủ ngủ một giấc; có người lại phì phèo điếu thuốc, trò chuyện với nhau cho qua cơn buồn ngủ.
Ông Trần Văn Hồng (55 tuổi), một ngư phủ lão làng của thôn Tân Lập, tay không ngừng châm thuốc. Sau mỗi lần rít, người đàn ông có biệt danh “lão cụt” này ngửa mặt lên trời phà một làn khói trắng dày đặc rồi đưa ánh mắt nhìn về phía xa xăm. Ông Hồng kể mình đã biết đi bủa lưới từ hồi 15 tuổi với cha mẹ, đến khi lập gia đình thì cùng vợ tiếp tục làm nghề này.
Bị cụt tay phải nhưng ông Hồng chèo xuồng rất giỏi, còn việc bủa lưới do vợ ông đảm nhận. “Tui cụt tay từ năm 22 tuổi nhưng chỉ trừ ngày mưa bão, còn những ngày khác thì vợ chồng đều đi bủa lưới. Mần rứa mới có cơm nuôi 9 đứa con” - ông cho biết. “Lão cụt” lại rít một hơi thuốc thật sâu, ngửa cổ nuốt ực một ngụm nước thật to rồi chèo xuồng đi tới chỗ bủa lưới.
Bà Trần Thị Ngò (43 tuổi) làm nghề bủa lưới từ lúc mới 16-17 tuổi. “Lúc trước, cả nhà tui sống trên xuồng, cứ đêm mô cha mẹ đi bủa lưới là cả nhà đi theo. Đi mãi cũng biết nghề, đến khi lấy chồng thì cả hai lại làm cái nghề ni để nuôi con” - bà Ngò tâm sự. Cả 4 lần mang thai, lần nào trở dạ bà mới chịu ở nhà, sinh xong chưa tới một tháng lại cùng chồng đi đánh cá.
“Khi mang thai đứa con thứ hai được 7 tháng, tui suýt chết ngoài cửa biển. Đêm đó, vợ chồng tui đi bủa lưới gặp sóng biển to, gió mạnh, cả hai chèo xuồng đến kiệt sức cũng không vào đến bờ mà cứ trôi ra biển. Khi xuồng sắp chìm, vợ chồng tui đánh liều cột phao quanh người rồi để trôi trên mặt biển. May mắn, sóng biển đẩy tụi tôi trôi vô bãi ngang. Vì rứa nên chừ thằng con này 20 tuổi rồi mà thân hình chỉ bằng trẻ 14” - bà Ngò cho biết.
Hiếm ai biết chữ
Trời hửng sáng, những người đánh cá từ đêm hôm qua mới bắt đầu trở về nhà cho kịp mang cá ra chợ bán. Trong khi đó, những người đi bủa cá ban ngày ở Tân Lập lại bắt đầu một ngày làm việc. Ai cũng mang theo cơm nước để bủa lưới cho tới chiều tối mới về nhà. “Nghề ni làm ngày hay đêm chi cũng được. Người làm ngày thì đêm về ngủ, người làm đêm thì ngày ngủ. Nghề ni lúc được lúc không, có cá thì kiếm vài chục ngàn đồng nhưng nhiều khi bủa không được một con về kho ăn” – ông Hợi chán chường.
Vì gia đình khó khăn nên những đứa trẻ này phải sớm thất học
La Thị Viền (18 tuổi), con gái đầu của vợ chồng ông Hợi, học chưa xong lớp 1 đã phải nghỉ để ở nhà giữ em. Bà Hiền trầm ngâm: “Viền nói cho nó ở nhà giữ em để ba mẹ đi làm, nhà nghèo quá nên nó không nỡ đi học”. Hơn 10 tuổi, Viền phải đi ở thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bà Hiền cho biết thời gian tới, Viền sẽ vào Đà Nẵng bán hàng thuê cho một người bà con.
Ngoài Viền, giờ đây, vợ chồng ông Hợi chỉ còn đứa út (9 tuổi) đang đi học lớp 2, còn 2 người khác mù chữ. “Mấy bữa trước, thằng Só, đứa thứ 3, cũng đi học lớp 1, được vài bữa thì nó bỏ vì không chịu ngồi chung với những đứa chỉ mới 5-6 tuổi. Hai thằng con trai lớn thất học chắc cũng theo cha mẹ làm nghề bủa lưới, còn thằng út thì tụi tui gắng cho nó học được chữ mô hay chữ đó” - bà Hiền tâm sự.
Trong 9 con của ông Hồng chỉ có 3 người được đi học nhưng cao lắm thì xong lớp 4 đã nghỉ. Ông Hồng phân trần: “Nhà nghèo, con cái chẳng đủ ăn lấy chi cho chúng đi học. Ba đứa được đến trường, biết chữ là vợ chồng tui cố gắng lắm rồi”. Hiện vài người con ông Hồng đã lập gia đình và tiếp tục theo nghề ngư phủ, có người vào Nam kiếm sống.
Ông Huỳnh Văn Ngợi, trưởng thôn Tân Lập, cho biết toàn thôn có 167 hộ với 875 người, đa phần làm nghề bủa lưới, số ít đi biển. “Trước đây, dân Tân Lập đều sống trên xuồng, lênh đênh sông nước đánh bắt và được đưa lên bờ tái định cư từ năm 1999. Nghề bủa lưới của họ là cha truyền con nối, con cái 15-16 tuổi đã biết theo cha mẹ đi bủa lưới, biết lấy mái chèo gõ vào xuồng xua cá vào lưới rồi” – ông Ngợi nói.
Theo ông Ngợi, ở Tân Lập, những người từ 25 tuổi trở lên hiếm có ai biết chữ, mỗi lần làm giấy tờ gì đều phải điểm chỉ tay. “Nhiều người làm cha, làm mẹ nhưng không nhớ nổi cả tên tuổi của con mình. Có người đi làm giấy khai sinh cho con mà không phân biệt được chữ lót giữa nam với nữ, con mình là nam mà đặt chữ lót là “thị”. Hiện Tân Lập có hơn 100 người vào Nam làm thuê, đa số là bọn trẻ đang tuổi đi học. Vì nghèo khó nên nhiều em mù chữ, học cao lắm cũng lớp 6-7 thôi” – ông Ngợi xót xa.
Ngụ cư dưới gầm cầu Dưới gầm cầu Thuận An bắc qua phá Tam Giang đã từ lâu tồn tại một xóm ngụ cư của dân vạn đò. Hàng chục người dân trong xóm sống tạm bợ trên các xuồng đánh cá và những căn nhà chồ. Họ sống trong cảnh không điện, nước ngọt phải đi xin, thiếu thốn trăm bề và khổ nhất là những ngày mưa bão phải chật vật tản đi khắp nơi tìm chỗ trú tránh. Ông Nguyễn Văn Nữa, một cư dân ở xóm này, cho biết: “Đa số các hộ dân ở đây đều đã được chính quyền cấp đất lên bờ định cư nhưng vì không có tiền làm nhà nên đành ở trên xuồng, tiện cho việc đánh cá kiếm sống”. Những đứa trẻ ở xóm ngụ cư dưới gầm cầu Thuận An
chào đời và sống trong chiếc xuồng chật hẹp Điều mà người dân xóm ngụ cư buồn nhất, lo nhất là chuyện học hành của con trẻ. Xóm ngụ cư này có hơn 10 trẻ nhưng đứa học cao nhất chỉ đến lớp 5, rồi sau đó nghỉ ở nhà đi làm nghề cùng cha mẹ kiếm sống. Ông Nữa nghẹn ngào: “Trong 5 đứa con của tôi thì 3 đứa đầu nghỉ học, vô TPHCM làm thuê đã 2 năm nay, 2 đứa nhỏ đang học nhưng chắc cũng sắp nghỉ rồi. Cuộc sống khó khăn, lang bạt như chúng tôi thì biết tính sao được”. |
Bình luận (0)