Trung tâm Đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET), một trong những đơn vị liên kết đào tạo trái phép
Tuyển sinh không phép
Cụ thể, Trường CĐ Công nghệ Bắc Hà thông báo tuyển nguyện vọng 2, 3 (dưới điểm sàn ĐH, CĐ), thời gian đào tạo 3 năm đối với thí sinh đủ điểm sàn và 3 năm rưỡi đối với thí sinh dưới điểm sàn, thời gian xét tuyển kéo dài 5 ngày so với quy định; trường không có cơ sở tại TPHCM nhưng tuyển sinh tại TPHCM. Trung tâm Đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET) liên kết với Trường ĐH Chu Văn An, Trường CĐ Bắc Hà tuyển sinh và đào tạo tại TPHCM khi không có chức năng này. Trường CĐ Công nghệ Viettronics xét tuyển hệ CĐ chính quy dựa trên học bạ đào tạo 3 năm rưỡi, liên kết với một số công ty tuyển sinh và đào tạo tại TPHCM khi chưa được phép của Bộ GD-ĐT… Các trường này đã vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh.
Nhiều trường ĐH đã liên kết đào tạo khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép hoặc thực hiện sai quy định. Trong đó, Trường ĐH Trà Vinh được phép liên kết thí điểm 3 khóa đào tạo thạc sĩ quản lý với Trường ĐH Southern Leyte University of Sogod (Philippines), địa điểm đào tạo tại Trường ĐH Trà Vinh thế nhưng trường này lại liên kết với Viện Nghiên cứu Đào tạo Công nghệ Quản trị (RIMIT) tuyển sinh tại Công viên Phần mềm Quang Trung (TPHCM). Theo quy định, giảng viên của Trường ĐH Trà Vinh chỉ giảng dạy tiếng Anh và hướng dẫn thực tập nhưng theo thông báo tuyển sinh, giảng viên của trường đảm nhiệm khá nhiều môn học. Điều kiện tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT là TOEFL 550 nhưng trường thông báo giảm xuống chỉ còn 500.
Liên kết với trường chưa kiểm định
Nhiều đơn vị còn tuyển sinh các chương trình liên kết không có tên trong danh mục các chương trình liên kết được Bộ GD-ĐT cấp phép như Viện Quản trị và Tài chính (quận Tân Bình - TPHCM) tuyển sinh chương trình thạc sĩ của ĐH Ballarat (Úc); Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp (quận 10 - TPHCM), đào tạo nhiều chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của các trường ĐH tại Mỹ nhưng các trường ĐH này không được các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền của Mỹ công nhận. Viện Kế toán và Quản trị doanh nghiệp còn tuyển sinh chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của ĐH Bulancan State (Philippines), là trường ĐH chưa được bộ cấp phép liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Lách “luật” với hệ ngoài ngân sách Trong xét tuyển và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011, ngoài sai phạm của Trường ĐH Hoa Sen mà Báo Người Lao Động ngày 9-9 đã phản ánh, còn có Trường ĐH Trà Vinh tuyển sinh 500 chỉ tiêu đào tạo ĐH theo địa chỉ cho 7 ngành tại các địa điểm đào tạo ngoài trường nhưng không có công văn đề nghị và danh sách của UBND các tỉnh gửi, không có hợp đồng đào tạo với các tỉnh mà chỉ có đơn đề nghị của các đơn vị ngoài trường. Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) thông báo điểm chuẩn là 22 nhưng chỉ công nhận có ngân sách đào tạo đối với các thí sinh có điểm thi đạt bằng hoặc lớn hơn 23,5 điểm; số còn lại phải đóng học phí theo diện ngoài ngân sách (giấy báo nhập học ghi rõ học ngoài ngân sách). Trường ĐH Kiến trúc TPHCM cũng sai quy chế tuyển sinh vì thí sinh không đạt nguyện vọng 1 thì trường chuyển sang nguyện vọng 1 ngành khác khi thí sinh không có yêu cầu. |
Bình luận (0)