Tùy theo trình độ văn hóa và môi trường nghề nghiệp mà mỗi người sẽ sử dụng ngôn từ và cách ứng xử khác nhau. Vì thế nên mới có “ngôn ngữ đường phố”, “ngôn ngữ chợ búa”, “ngôn ngữ nhà trường”, “ngôn ngữ trí thức”… Đi liền với mỗi thứ ngôn ngữ đó sẽ có từng cách ứng xử tương thích khác nhau.
Nhà trường là nơi giáo dục thế hệ trẻ, đào tạo nhân tài cho đất nước. Vì thế, việc nói năng và ứng xử trong nhà trường, giữa các thầy cô với nhau và nhất là giữa giáo viên với học sinh phải hết sức cẩn trọng để biểu thị trình độ văn hóa của những người có học thức trong môi trường sư phạm.
Có một nguyên tắc mà bất cứ người thầy nào cũng phải ghi nhớ là: “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Nguyên tắc này vạch rõ rằng trong nhà trường, học sinh không chỉ học ở sách giáo khoa mà quan trọng hơn, các em còn được học từ nhân cách những người thầy của mình. Nhân cách của thầy thì luôn được phơi bày trước toàn thể học sinh qua ngôn từ và cách ứng xử của mỗi thầy cô. Các em sẽ nhanh chóng nhận biết thầy cô nào đáng quý trọng để noi theo, giáo viên nào không đáng gọi là thầy.
Một nguyên tắc giáo dục khác mà người thầy luôn ghi nhớ là: “Phải tôn trọng nhân cách học sinh”. Mặc dù học sinh có hành vi và lời nói như thế nào đi nữa, người thầy cũng không được xúc phạm nhân cách các em bằng những lời lẽ thô bỉ và hành động thô bạo để “trả đũa” học sinh của mình. Khi bị giáo viên mạt sát bằng câu “Ai sủa trong lớp vậy?”, học sinh chẳng những không hổ thẹn để sửa chữa sai lầm của mình mà rất có thể sẽ phản ứng bằng những ngôn từ và hành vi tồi tệ hơn. Khi ấy, nếu giáo viên tiếp tục “trả đũa” bằng cách tát vào mặt hay đuổi học sinh ra khỏi lớp thì vấn đề lại càng thêm nghiêm trọng mà không thể giải quyết được.
Những nguyên tắc nêu trên không loại trừ việc trừng phạt học sinh. Những sự trừng phạt có lý do xác đáng với mức độ vừa phải nhằm mục đích giáo dục vẫn luôn có tác dụng tích cực, giúp học sinh sửa chữa lỗi lầm. Ngược lại, sự trừng phạt quá mức mang tính “trả đũa” đối với học sinh kèm theo những lời lẽ thô bỉ thì không bao giờ có tác dụng tích cực mà luôn luôn phản tác dụng trong giáo dục.
Tuy nhiên, khi xử lý những giáo viên có ngôn ngữ và cách ứng xử phản sư phạm, các cấp quản lý giáo dục cần hết sức thận trọng và khách quan để phân biệt đó là những lỗi lầm bột phát nhất thời của một giáo viên nóng nảy hay là bản chất sẵn có của một người có nhân cách thấp kém. Nếu đó chỉ là lỗi lầm bột phát nhất thời thì cần dành cho giáo viên đó cơ hội sửa chữa theo tinh thần “những nhà giáo dục cũng cần được giáo dục”.
Giáo dục vừa là một khoa học lại vừa là một nghệ thuật. Vì thế, sự nghiệp giáo dục luôn đòi hỏi nhà giáo phải có trình độ chuyên môn cao, nhân cách tốt đẹp với tài năng sư phạm tinh tế để có ngôn ngữ và cách ứng xử thích hợp trong mọi tình huống sư phạm.
Bình luận (0)