Gia nhập nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân tỉnh Bình Thuận sẽ an tâm hơn khi bám biển
Gắn kết ngư dân
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm tại khu phố Dân Khánh 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, ngư dân Võ Đình Sơn bày tỏ xúc động: “Cách đây hơn một tháng, nghe tin huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thành lập NĐ Nghề cá, anh em ngư dân ở đây rất sốt ruột. Bởi vậy, khi cán bộ chuyên trách LĐLĐ tỉnh Bình Thuận và CĐ ngành NN-PTNT tỉnh Bình Thuận đến xóm chài vận động gia nhập NĐ, ai nấy đều phấn khởi, viết đơn xin nhập ngay”. Niềm vui được gia nhập NĐ ấy càng nhân lên gấp bội khi anh Sơn hay tin 2 đứa con nhỏ được các nhà hảo tâm trao học bổng tại lễ ra mắt nghiệp đoàn. Cả đời bám biển làm thuê, sự quan tâm chăm sóc ấy của tổ chức Công đoàn (CĐ) khiến ngư dân nghèo hết sức cảm kích. Chúng tôi cũng bắt gặp niềm vui trong ánh mắt của ông Bùi Văn Toàn, chủ tàu cá Bth 98083TS. Thường xuyên đánh bắt xa bờ, ông Toàn cùng nhiều ngư dân khác đã gặp không ít rủi ro nghề nghiệp trên biển. Việc gia nhập NĐ, với ông Toàn, có ý nghĩa hết sức đặc biệt. “Gia nhập NĐ, chủ tàu và ngư dân sẽ hiểu hơn đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó tự giác chấp hành. Không chỉ giúp ngư dân an tâm bám biển, NĐ sẽ là nơi gắn kết tình cảm giữa chủ tàu và anh em đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa”- ông Toàn bộc bạch.
Ông Đặng Sĩ Hảo, Chủ tịch CĐ ngành NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết: Sau hơn 1 tháng tuyên truyền, vận động, đến thời điểm này, đã có 121 đoàn viên là chủ phương tiện và người lao động (NLĐ) trên 5 tàu cá gia nhập NĐ.
Sẻ chia ấm lòng
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Bạch Phượng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 9.000 tàu thuyền với gần 50.000 ngư dân làm nghề khai thác và dịch vụ trên biển. Mặc dù là tỉnh có nghề cá phát triển song phương thức sản xuất, khai thác của tàu thuyền còn manh mún, nhỏ lẻ, khả năng ứng phó với thiên tai và xử lý rủi ro trên biển còn hạn chế; đặc biệt là quyền lợi của ngư dân chưa được bảo đảm. NĐ Nghề cá ra đời không chỉ giúp chủ tàu tiếp cận phương pháp đánh bắt tiên tiến mà còn có ý nghĩa hết sức đặc biệt về an ninh chính trị, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quê hương. NĐ sẽ đại diện, bảo vệ NLĐ khi có xảy ra tranh chấp ngư trường; chăm lo tốt hơn cho đời sống NLĐ”.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho việc ra đời của NĐ, nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân đã được LĐLĐ tỉnh Bình Thuận phối hợp với chính quyền địa phương, các mạnh thường quân triển khai đồng bộ, tiếp thêm động lực cho ngư dân. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng kiêm Chủ tịch NĐ, phấn khởi thông tin: “Với mong muốn NĐ sẽ là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, mới đây, từ đề xuất của chủ tàu cũng như nhiều anh em đoàn viên, NĐ đã khảo sát và hỗ trợ 20 gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ 10 - 20 triệu đồng/đoàn viên để sửa chữa, nâng cấp chỗ ở. Ngoài ra, NĐ cũng xem xét tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho 5 đoàn viên chưa có đất ở. Cũng trên tinh thần ấy, tại lễ ra mắt NĐ, chia sẻ khó khăn với ngư dân nghèo, từ nguồn kinh phí tài trợ của Công ty Cổ phần Vincom và Công ty Ajinomoto Việt Nam, Báo Người Lao Động sẽ trao 75 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho con em ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vượt khó học tập. Dịp này, Hiệp hội Nhựa TPHCM, Công ty Sanofi Aventis Việt Nam, Công ty CP Dược phẩm OPC sẽ tặng 150 phao cứu sinh, 20 tủ thuốc, 750 chai dầu nóng cho đoàn viên NĐ.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Tập trung hỗ trợ ngư dân
Sự ra đời NĐ Nghề cá tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và NĐ Khai thác hải sản Bình Hưng 3, tỉnh Bình Thuận là việc làm cần thiết và mô hình này sẽ được nhân rộng ở các địa phương khác trong cả nước. Song song với chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn các tập thể, cá nhân trong cả nước sẽ quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của bà con ngư dân, những người đang ngày đêm trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. |
Bình luận (0)