Chùa Tôn Thạnh còn lưu giữ nhiều hiện vật quý
Cách trung tâm thành phố Tân An, Long An khoảng 40 km về phía đông nam, từ quốc lộ 1A rẽ vào tỉnh lộ 835 (Gò Đen - Cần Giuộc) khoảng 20 cây số nữa, ta sẽ gặp ngôi chùa trầm mặc cổ kính ẩn mình dưới những vòm cây cổ thụ xanh rì, rợp mát. Đó là chùa Tôn Thạnh thuộc xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc, Long An) được xây dựng vào thời vua Gia Long năm thứ 7 (1808). Ban đầu, chùa có tên là Lan Nhã (Lan Nhược) với kiến trúc cổ "tường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng...".
Theo thời gian, sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc ban đầu ít nhiều bị thay đổi, song vẫn giữ được những nét chạm trổ điêu khắc tinh vi. Toàn bộ khuôn viên chùa hiện tại có tổng diện tích 27.864 m2. Trong tổng thể kiến trúc có cổng trước uy nghi. Chính giữa trung tâm là chánh điện lưu giữ nhiều hiện vật thờ tự quý giá. Đây cũng là nơi tiến hành các nghi lễ Phật giáo từ hơn 100 năm qua.
Trên thượng điện, ngoài pho tượng Thích Ca Mâu Ni Phật được đặt trang trọng nơi cao nhất, kế đến là bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà Phật, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát) cùng nhiều tượng cổ khác.
Toàn chùa có 19 cặp câu đối được trang trí đều khắp chánh điện cùng nhiều hoành phi, câu đối sơn son, thiếp vàng. Chiếc chuông đồng cổ được đúc từ ngày lập chùa (1808) có tên là Đại Hồng Chung. Nhà tổ phía sau chánh điện treo họa ảnh của các viên ngộ (trụ trì) và thân phụ tổ từ ngày lập chùa đến nay, cùng rất nhiều văn bia có giá trị văn hóa và lịch sử.
Chùa Tôn Thạnh là nơi nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã lưu trú và mở lớp dạy học (1859-1862). Cũng tại ngôi chùa này cụ Đồ Chiểu đã viết bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" và kiệt tác "Lục Vân Tiên" bất hủ.
Năm 1997, chùa Tôn Thạnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp bằng "Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia". Mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách và tín đồ khắp nơi đến chùa chiêm ngưỡng, hành lễ, cùng đắm hồn trong những câu thơ mang khí phách hào hùng của ông cha:
"... Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm...".
Bình luận (0)