Chiều 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận góp ý về dự án Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Hầu hết góp ý của đại biểu (ĐB) đều băn khoăn về tính không khả thi của dự luật đối với nhiều lĩnh vực quan trọng đang gây bức xúc trong đời sống như chất lượng đào tạo, buông lỏng quản lý, nạn đua mở trường…
Bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng
Trong ảnh: Một giờ học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY
Tiếp tục “mổ xẻ” dự luật, ĐB Đáng thẳng thắn chỉ trích dự luật đã “né” nhiều lĩnh vực rất quan trọng và “đẩy” cho Thủ tướng cũng như Chính phủ. “Chúng ta đang từng bước xóa bỏ luật “ống” thì nay dự Luật GDĐH lại sa vào làm luật kiểu an toàn” - ĐB Đáng bày tỏ.
Bày tỏ quan điểm với tư cách là một giảng viên ĐH, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận xét: “Một dự luật quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhưng chỉ dành hơn nửa buổi để thảo luận tại kỳ họp là quá ít thời gian”. Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị: “Hiện nay chỉ cần làm tốt quy định của Luật Giáo dục, điều lệ trường ĐH-CĐ là có thể nâng chất lượng GDĐH. Còn nếu ban hành luật mà không giải quyết được các bức xúc của thực tiễn thì chưa nên”.
Chung chung dễ nảy sinh xin - cho
Nhiều ĐB đã rất thất vọng với quy định quá chung chung, nửa vời và dễ dẫn đến “xin - cho” của quy định về quyền tự chủ của các trường ĐH. ĐB Phạm Khánh Phong Lan bức xúc: “Dự luật đặt mục tiêu cho trường tự chủ thế này, thế kia nhưng cuối cùng lại thắt lại ở nhiều vấn đề quan trọng và giao cho Thủ tướng, Chính phủ quy định”. ĐB Lan cho rằng việc cho các trường quyền tự chủ sẽ phát huy sự sáng tạo, quyền làm chủ để nâng chất lượng và đào tạo nguồn nhân lực tốt.
ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) băn khoăn với việc dự luật giao trường tự chủ trên 6 lĩnh vực nhưng lại quy định chưa rõ ràng như việc tự chủ phải chờ có kết quả kiểm định chất lượng trường. “Khi nào mới kiểm định xong hơn 400 trường và tất yếu xảy ra nạn xin - cho quyền tự chủ” - ĐB Học lo ngại. ĐB này kiến nghị trước mắt, những trường thành lập từ năm 2000 trở về trước nếu đủ tiêu chí thì được tự chủ ngay.
Cũng vấn đề này, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng cơ quan soạn thảo luật đừng nên mất bình tĩnh mà hãy nhìn nhận giao quyền tự chủ cho trường chứ không phải là tự trị. Đối với vấn đề cốt lõi này, ĐB Đáng đề nghị cần có hẳn một chương trong luật thay vì chỉ một điều.
Cũng bàn về tự chủ, nhiều ĐB kiến nghị dự luật không nên quy định cứng chủ tịch hội đồng trường là hiệu trưởng mà nên áp dụng hình thức bầu công khai. Về bất cập này, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho biết sau 10 năm thực hiện, chỉ có 10/400 trường thành lập được hội đồng trường nhưng hoạt động hiệu quả thấp. ĐB Nghĩa kiến nghị cần quy định cụ thể về hội đồng trường ngay trong luật thay vì giao Chính phủ.
Một trong vấn đề mà các ĐB băn khoăn và đề nghị luật cần làm rõ đó là mô hình trường ĐH. ĐB Hồ Thị Thủy, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng kiến nghị mô hình ĐH 2 cấp cần quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ trên dưới để tạo điều kiện cho các ĐH thành viên phát triển. ĐB Huỳnh Nghĩa dẫn trường hợp các ĐH Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng hoạt động theo kiểu ĐH 2 cấp đã bộc lộ nhiều hạn chế.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) và ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cùng đề nghị việc kiểm định chất lượng GDĐH có ý nghĩa sống còn đối với đầu ra sinh viên và cần thành lập tổ chức kiểm định cấp Hội đồng Nhà nước. Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) nói: “Kiểm định chặt sẽ loại bỏ được tình trạng thầy chạy “sô” 4-5 trường, dẫn đến sinh viên ra trường vừa thiếu vừa yếu”.
Năm 2012: Trả nợ 98.850 tỉ đồng Chiều cùng ngày, QH cũng thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, với 82,4% ĐB tán thành. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương năm 2012 là 493.675 tỉ đồng, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 269.225 tỉ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương năm 2012 là 633.875 tỉ đồng. Theo nghị quyết, dự kiến chi đầu tư phát triển là 95.400 tỉ đồng, trong đó chi xây dựng cơ bản là 83.110 tỉ đồng; đầu tư cho các dự án trọng điểm dầu khí là 3.500 tỉ đồng... Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2012 cũng dành 100.000 tỉ đồng cho việc chi trả nợ và viện trợ, trong đó dành 98.850 tỉ đồng cho trả nợ. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính là 277.132 tỉ đồng; chi thực hiện cải cách tiền lương là 43.300 tỉ đồng.
Bình luận (0)