Nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại được xem là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận rất quan tâm theo dõi. Trong thời gian điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã triệu tập nhiều người để lấy lời khai nhằm làm sáng tỏ vụ án. Tuy nhiên, kết luận điều tra từ nội dung đến hình thức lại quá sơ sài.
Vỏn vẹn có…783 chữ!
Sau 7 tháng điều tra vụ án với hàng trăm bút lục lời khai, ngày 20-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã ra bản kết luận điều tra chỉ có…3 trang giấy A4, trong đó riêng phần nội dung sự việc phạm tội của bị can Trần Thúy Liễu (vợ nhà báo Hoàng Hùng) vỏn vẹn có 50 dòng với 783 chữ.
Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường ngay khi vụ án xảy ra. Ảnh: MINH SƠN
Nguyên nhân bà Liễu đốt chồng được mô tả ngắn gọn là do ông Hùng ghen tuông khi biết bà Liễu có quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng đội QLTT số 5 Chi cục QLTT Long An-PV), mâu thuẫn vợ chồng gay gắt, ông Hùng đánh bà Liễu nhiều lần nên bà Liễu nảy sinh ý định dùng xăng đốt chồng.
Sau khi nhận kết luận điều tra trên, VKSND tỉnh Long An đã quyết định trả hồ sơ do còn thiếu sót những tình tiết, chứng cứ mà VKSND không thể tự bổ sung được, yêu cầu Cơ quan CSĐT làm rõ một số vấn đề.
Cụ thể: 1- Lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng trước khi chết có hay không có căn cứ, phải có kết luận rõ ràng.
2- Việc bà Đặng Thị Nguyệt Sương khai có bán dây dù cho một người đàn ông vào ngày 17-1-2011 nhưng hồ sơ chưa thể hiện việc điều tra xác minh.
3- Từ 21 giờ ngày 18-1, ông Nguyễn Văn Tâm đi đâu, làm gì, ai biết, cần chứng cứ cụ thể để chứng minh.
4- Thực nghiệm điều tra tại hiện trường theo lời khai của bà Trần Thúy Liễu để xác định thời gian bị can ném bịch xăng rồi chạy về phòng ngủ là bao lâu? Có thực hiện được như lời bị can khai hay không?
5- Kết luận điều tra chưa thể hiện động cơ, mục đích phạm tội và chưa đề nghị truy tố bị can phạm tội vào điểm, khoản nào của điều 93 BLHS.
6- Chưa đề nghị tách hành vi ra nước ngoài trái phép và phần nợ của bị can.
7- Yêu cầu Phòng Kỹ thuật Hình sự giải thích cụm từ: “Hướng cháy từ trên xuống và từ dưới lên” và “độ cháy than hóa ở phần cuối và phần giữa giường” trong biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 19-1-2011.
8- Lời khai giữa Lê Hồng Nhung (con gái Hoàng Hùng) và Trần Thúy Liễu còn mâu thuẫn...
Kết luận điều tra bổ sung vẫn chưa thuyết phục
Ngày 20-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã dựng lại hiện trường sau khi bà Liễu nhận tội đốt chết nhà báo Hoàng Hùng theo yêu cầu của VKSND tỉnh này. Trong buổi thực nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra (CQĐT) tiến hành thực nghiệm về vị trí, tư thế, khoảng cách, hướng ném bịch xăng và tờ báo của bị can Trần Thúy Liễu; xác định thời gian bị can ném bịch xăng và tờ báo rồi chạy về phòng ngủ; thao tác cột bịch xăng khi mua và khi cho vào tủ; đo độ dài của sợi dây dù 12 m trước và sau khi thắt 6 gút; vị trí, tư thế, thao tác thắt các gút trên sợi dây dù.
Buổi thực nghiệm dựng lại hiện trường kéo dài khoảng 30 phút, không có sự chứng kiến của luật sư, gia đình người bị hại lẫn gia đình bà Liễu. Ông Nguyễn Văn Sữa và cháu Lê Hồng Nhung, hai nhân chứng tham gia chữa cháy đầu tiên cũng không được CQĐT mời đến.
Ngày 26-9, CQĐT tỉnh Long An có kết luận điều tra bổ sung, nội dung cũng không khác gì so với lần đầu. Kết quả điều tra xác minh theo yêu cầu của VKSND như sau:
1- Đối với lời sinh cung của nhà báo Hoàng Hùng trước khi chết, Cơ quan CSĐT đã tiến hành ghi âm, sang đĩa và chưa phát hiện gì có liên quan đến vụ án.
2- Bà Đặng Thị Nguyệt Sương xác định thời gian từ ngày 16 đến ngày 18-1 có bán cho một người đàn ông 10 m dây dù, không nhớ sáng 17-1 có bán cho người phụ nữ nào 12 m dây dù. Nhưng qua thực nghiệm điều tra dây dù 12 m của bà Liễu mua, sau khi cho bà Liễu gấp đôi sợi dây dù và thắt 6 gút, tiến hành đo lại thì còn 5,1 m tương đối phù hợp với sợi dây dù thu được tại hiện trường vụ án.
3- Qua làm việc, xác minh thời gian từ 21 giờ ngày 18-1, ông Nguyễn Minh Tâm ngủ tại nhà, không có đi đâu.
4- Tiến hành thực nghiệm điều tra xác định thời gian từ khi bị can ném bịch xăng và tờ báo đang cháy vào nơi nạn nhân ngủ với độ dài đoạn chạy là 13,05 m mất thời gian là 8,94 giây.
5- Xuất phát từ việc ông Hùng ghen tuông khi phát hiện phiếu siêu âm của bà Liễu có thai; mặt khác do thiếu nợ, bà Liễu yêu cầu ông Hùng bán nhà trả nợ nhưng ông Hùng không đồng ý nên thường hay cự cãi và đánh bà Liễu vô cớ, từ đó bà Liễu nảy sinh ý định giết chồng.
6- Hành vi xuất cảnh trái phép và phần nợ của bà Liễu thuộc vụ án khác.
7- Từ dấu vết mô tả cho thấy bị can dùng bịch ni lông đựng xăng ném vào nạn nhân đang nằm trên giường, xăng sẽ văng tung tóe ra ít nhất là hai chỗ, khi có mồi lửa xăng sẽ bắt cháy cùng các vật dụng như mền, gối, nệm…trên mặt giường, ngọn lửa cháy nhiều chỗ trên giường (tập trung ở phần giữa và gần cuối giường) sẽ có chiều hướng cháy từ trên xuống và từ dưới lên.
Có nghĩa là khi xăng thấm xuống cùng các vật dụng khác, lửa cháy sâu xuống dưới nệm nhưng chưa tới mặt dưới và cháy loang lổ, độ sâu khác nhau thể hiện trên bề mặt của tấm nệm và đồng thời ngọn lửa sẽ bốc lên trên hướng trần và xung quanh tường nhà (sự việc cháy nêu trên sẽ diễn ra đồng thời cùng một lúc)...
8- Lời khai của cháu Nhung đối với bà Liễu với tư cách là nhân chứng của vụ án và lời khai giữa Nhung với bà Liễu là phù hợp…
Cáo trạng: Xuất hiện tình tiết mới
Từ kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT, ngày 20-10, VKSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố bà Trần Thúy Liễu về tội giết người. So với kết luận điều tra, cáo trạng xuất hiện thêm những tình tiết mới nhằm khẳng định chỉ có một mình bà Liễu thực hiện hành vi giết người, không có đồng phạm.
Đó là các tình tiết sau khi gập đôi dây dù lại và thắt 6 gút, bà Liễu “cuộn dây dù lại bỏ vào bịch ni lông màu xanh”; “lấy tờ báo cuộn lại và lấy quẹt gas màu đỏ để sẵn ở cầu thang” (kết luận điều tra chỉ ghi cuộn dây dù lại để ở nền gạch, xé tờ báo trên bàn và lấy hộp quẹt gas để sẵn ở cầu thang); “Lúc này, Nhung và Châu thức giấc và anh Nguyễn Văn Sữa nhà liền kề leo ban công sang cùng chữa cháy. Sau khi nghe tiếng la cháy thì ông Trần Văn Mến (cha ruột bà Liễu-PV) và anh Trần Trọng Nghĩa chạy đến trước sân nhà Liễu đều xác định cửa chính tầng trệt nhà Liễu khóa kín không vô được”. Nội dung này hoàn toàn không có trong các kết luận điều tra.
Như vậy, ngoài các nhân chứng là người thân trong gia đình nhà báo Hoàng Hùng (bé Nhung, bé Châu, ông Sữa, ông Mến), còn nhân chứng nào khác? Trần Trọng Nghĩa là ai? Có quan hệ như thế nào với gia đình nạn nhân và đã khai gì với cơ quan điều tra…?
Nội dung vụ án
Nhà báo Hoàng Hùng sống cùng vợ và hai con gái tại khu dân cư Đại Dương, phường 6, TP Tân An, tỉnh Long An. Trong đêm 19-1, lúc đang ngủ tại nhà, ông Hùng bị đốt và phỏng nặng. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện tỉnh Long An cấp cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Đến ngày 29-1, nạn nhân tử vong.
21 giờ ngày 20-2, bà Trần Thúy Liễu đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An tự thú, khai nhận toàn bộ hành vi dùng xăng đốt chồng.
Chiếc giường nơi nhà báo Hoàng Hùng nằm ngủ và bị đốt. Ảnh: MINH SƠN |
Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại
LTS: Vụ án nhà báo Lê Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động) bị sát hại tại nhà riêng xảy ra đã gần một năm. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An đã điều tra như thế nào, kết quả đến đâu? Lật lại hồ sơ vụ án, chúng tôi hy vọng cung cấp cho bạn đọc có một cái nhìn hệ thống, cũng như mong muốn sự thật vụ án được làm sáng tỏ để công lý được thực thi và hương hồn người đồng nghiệp xấu số của chúng tôi thực sự yên nghỉ. |
Kỳ tới: Đi tìm nhân chứng…
Bình luận (0)