Ảnh minh họa Internet
Bà Hà Thanh Tuyền, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết kinh phí Nhà nước cấp định mức cho học sinh mỗi năm đều tăng do trượt giá, tăng lương. 80% ngân sách được trường sử dụng chi lương, thưởng; 20% còn lại chi cho tiền điện, nước, văn phòng phẩm, mua sắm nhỏ…Ngoài ngân sách Nhà nước, các trường còn thu thêm học phí, cơ sở vật chất và các khoản thu khác.
Tại TPHCM, trên thực tế, học sinh phải đóng góp 10 khoản gồm học phí, cơ sở vật chất và 8 khoản thu khác như vệ sinh phí, học phẩm - học cụ - đồ dùng dạy học, tổ chức phục vụ và quản lý bán trú, in đề và giấy thi học kỳ…Chưa dừng lại ở đó, nhiều trường còn thu thêm các khoản khác như tiền hỗ trợ nhân viên bán trú, hỗ trợ giáo viên, điện, nước, dịch bệnh…với số tiền thu mỗi tháng gấp hàng chục lần học phí.
Nghị định 49/CP ban hành ngày 14-5-2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 có quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông khu vực thành thị từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng/tháng (năm học 2010-2011). Từ năm học 2011-2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch - Đầu tư thông báo. Dựa vào khung học phí năm học 2010-2011, mức học phí tối đa học sinh phải đóng là 1.800.000 đồng/năm (9 tháng thực học), mức này thấp hơn nhiều so với mức đóng góp thực tế của học sinh.
Luật Giáo dục hiện hành cũng quy định: Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng thêm khoản nào khác. Do đó, không thể cứ mãi tận thu, làm tăng gánh nặng lên vai phụ huynh nữa. TPHCM phải thực hiện thu một khoản (trong đó có chế độ miễn, giảm cho các đối tượng học sinh) và đi kèm với việc này là chế độ giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm. Có như vậy mới hy vọng chấm dứt tình trạng loạn thu, giải tỏa những bức xúc bấy lâu nay của phụ huynh.
Bình luận (0)