Cũng chẳng phải EVN “tốt bụng” tới mức lại tự nguyện công khai chuyện làm ăn, lỗ lãi của mình. Họ buộc phải làm điều này theo yêu cầu của Chính phủ mà như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tuyên bố là “EVN phải công khai giá thành”.
Thế nhưng, tiếng là công khai song vẫn có những thông tin và vấn đề chưa được “ông lớn” này làm minh bạch. EVN đã thua lỗ tới 10.162 tỉ đồng trong lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh điện năm 2010 vừa qua. Đó là chưa tính tới các hoạt động đầu tư và kinh doanh ngoài ngành.
Cứ theo như lý giải của người đứng đầu tập đoàn lớn thứ ba của nền kinh tế đất nước thì lỗ lớn như vậy là do phải mua điện giá cao nhưng phải bán giá thấp. Nói tóm lại, việc EVN lỗ nặng là do cơ chế chứ chẳng phải vì tập đoàn làm ăn kém hiệu quả hay quản trị yếu.
Tuy nhiên, cũng từ giá thành và con số lỗ lãi của EVN vẫn thấy nổi lên những thắc mắc, hoài nghi chưa được làm sáng tỏ, công khai. Đáng chú ý đầu tiên là người đứng đầu tập đoàn thừa nhận rằng việc chậm tiến độ của các dự án nhiệt điện chạy than đã làm “đội” giá thành điện. Thứ hai, tỉ lệ tổn thất điện năng từ trên 9% năm 2009 tăng lên 10,15% năm 2010. Thứ ba, EVN đang lỗ song lương bình quân của ngành điện vẫn lên tới 7,3 triệu đồng/tháng/người.
Điều cần làm rõ từ 3 vấn đề trên là: Thứ nhất, việc chậm tiến độ các dự án nhiệt điện chạy than đã “đóng góp” bao nhiêu vào số lỗ của EVN; thứ hai, việc tăng tỉ lệ tổn thất điện năng đã làm đội bao nhiêu giá thành; thứ ba, quỹ lương chiếm bao nhiêu trong giá thành điện.
Đó là những điều rất cần được làm sáng tỏ nhằm góp phần làm minh bạch giá điện để có thể biết trong số lỗ của EVN có phần nào là do cơ chế và phần nào là do hiệu quả kinh doanh cũng như quản trị của tập đoàn này. Cần phải minh bạch hơn nữa thì người tiêu dùng mới có thể chia sẻ trong trường hợp “ông nhà đèn” muốn tăng giá.
Ngạn ngữ có câu “một nửa chiếc bánh mì là bánh mì nhưng một nửa sự thật chưa chắc là sự thật”. Việc EVN mới công khai một phần thì giá điện vẫn chưa được minh bạch. Một khi giá điện chưa thật sự minh bạch chưa thể giải tỏa được bức xúc với hoài nghi rằng người thực sự phải gánh chịu khoản thua lỗ vì làm ăn yếu kém của EVN không phải ngành điện mà là người dân và nền kinh tế.
Bình luận (0)