xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa

Bài và ảnh: Thế Dũng

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định cây lúa là thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam nên cần tiếp tục gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau

Chiều 23-11, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát là vị “tư lệnh” ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Bốn nhà nhưng chỉ có 2

Mở màn phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) băn khoăn tình cảnh nông dân luôn “đánh bạc” với thiên tai, dịch bệnh… Ông Học yêu cầu vị “tư lệnh” ngành nông nghiệp lý giải tại sao ngành có cơ quan nghiên cứu khoa học, có trung tâm khuyến nông, cơ quan thú y, bảo vệ thực vật… nhưng hoạt động không hiệu quả, khoảng cách đến nông dân còn quá xa và gần như phó mặc cho nông dân tự mò mẫm.

img

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại hội trường ngày 23-11

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nói thẳng: “Từ lâu, Chính phủ đã đề ra giải pháp, chính sách liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) nhưng tại sao thực tế ở hầu hết các xã mới chỉ có 2 là Nhà nước và nhà nông?”. Đem nỗi khổ của cử tri ĐBSCL lên nghị trường, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu không đủ giống cung cấp dẫn đến nông dân phải mua ngoài thị trường và đặt vấn đề: “Bộ trưởng có bảo đảm nắm được không?”.

Trước hàng loạt lo lắng của ĐB, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận hoạt động của các viện, trung tâm vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và “xa” nông dân. “Tôi đã yêu cầu anh em đừng đem báo cáo khoa học tới mà hãy đặt lên bàn bộ trưởng giống lúa, củ quả, cây trái có chất lượng” - ông Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết đã rà soát lại Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích liên kết 4 nhà và trong tháng 12 này sẽ đệ trình lên Thủ tướng đề xuất chính sách mới về vấn đề này.

Bảo đảm nông dân có lãi ít nhất 30%

Tiếp tục đặt lên bàn nghị sự những nhức nhối trong sản xuất nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu: “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một chuỗi liên hoàn không thể tách rời. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý giá đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu, giống… và giá đầu ra nông sản không bị tư thương ép giá”.

Giải đáp những băn khoăn về đầu ra cho nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát phân trần: “Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 2 tổng công ty lương thực cố gắng theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm thu mua kịp thời nông sản, bảo đảm nông dân có lãi ít nhất 30%”. Ông Phát hứa sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương tăng cường quản lý chất lượng và giá cả vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến chất vấn của nhiều ĐB về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định trong những năm qua, tổng chi và tỉ lệ chi ngân sách cho 2 lĩnh vực này đều tăng. Theo đó, năm 2010 là 39,3%; năm 2011 là 38,9% và năm 2012 là 40,9% tổng chi ngân sách Nhà nước.

ĐB Nguyễn Thị Khá cùng nhiều ĐB khác đặt vấn đề tại sao và bằng cách nào giữ 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020. Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định cây lúa là thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam mà thế giới không có được, vì thế cần tiếp tục gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau. “Chúng ta xuất khẩu nhiều gạo là không phải bao đồng lo an ninh lương thực thế giới mà là vì chính chúng ta” – ông Phát nói.

Lo phải mượn voi về… dạy sử

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã đưa ra tình huống với Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Con tê giác cuối cùng đã chết, tới đây sẽ là voi và nếu quản lý rừng yếu kém như thế này thì mai đây, chúng ta sẽ phải mượn voi từ nước bạn để dạy bài học về Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc”. Trước băn khoăn này, ông Phát phân trần: “Từ năm 1960, Chính phủ đã có chỉ thị về vấn đề bảo tồn voi và có nhiều giải pháp nhưng vụ việc tê giác vừa qua là một cảnh báo”.

ĐB Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam,  đặt vấn đề: “Hai công ty hóa chất Mỹ là Dow và Monsanto - sản xuất khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học để cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam - đang được cấp phép để kinh doanh mặt hàng giống ngô biến đổi gien. Bộ trưởng nắm được việc này không?”. Trước câu hỏi này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT kiểm tra, giải quyết một cách thận trọng và có thông báo lại.

Hôm nay (24-11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Cho nước ngoài thuê 18.500 ha đất rừng

Phải đến 2 lần chất vấn, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) mới được 2 bộ trưởng giải đáp về tình hình các địa phương cho nước ngoài thuê đất trồng rừng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo nghiêm túc, từ việc ngừng cấp phép cho thuê mới. Ngoài ra, đã rà soát những dự án được cấp giấy chứng nhận, nơi nào chồng lấn lên địa bàn “nhạy cảm” là loại bỏ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh bổ sung: “Nhiều dự án đã thu hồi hoặc giảm rất nhiều diện tích đất dự kiến cho thuê so với ban đầu. Hiện có khoảng 18.500 ha đất cho thuê, chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc, không phải khu vực “nhạy cảm” và phần lớn diện tích này đã trồng rừng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo