xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mặt trận Iran không bình yên

VĂN ANH

Cùng một lúc với xì-căng-đan “gián điệp Pizza” ở Lebanon, Iran tuyên bố đã bắt được 12 điệp viên CIA liên quan đến chương trình hạt nhân Iran

Tiếp theo sau bê bối tình báo làm CIA (Trung ương Tình báo Mỹ) mất mặt ở Lebanon, ngày 23-11 vừa qua, đến lượt Iran tiết lộ đã bắt được 12 điệp viên CIA tại Iran.
Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời  ông Parviz Sorouri, một thành viên của Ủy ban Ngoại vụ và An  ninh Quốc gia Quốc hội Iran, cho biết các điệp viên này là người Trung Đông được CIA thuê mướn để thu thập thông tin về an ninh quốc phòng và tiến bộ của Iran trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân.

“Bộ máy tình báo của Mỹ và Israel đã cố phá hoại Iran từ bên trong và bên ngoài bằng cách sử dụng dịch vụ tình báo trong khu vực. May mắn là Cục Tình báo Iran đã phản ứng nhanh  khiến các hoạt động này bất thành”- ông Sorouri nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông này không tiết lộ quốc tịch của các điệp viên CIA.

Trước đó, tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tình báo Iran Heider Moslet tuyên bố trên Đài Truyền hình Nhà nước Iran rằng họ đã vô hiệu hóa một mạng lưới gián điệp có hơn 30 điệp viên của Mỹ và Israel nhờ phát hiện một cổng web tuyệt mật mà CIA dùng để liên lạc với cộng tác viên tại chỗ.

Kỳ án Amiri

Cuộc chiến tình báo ngấm ngầm giữa CIA và Iran âm ỉ từ nhiều thập niên qua với những thành công và thất bại xen kẽ. Tổn thất kép của CIA ở Lebanon và Iran trong năm nay nhắc lại một trường hợp kỳ bí.
Shahram Amiri, sinh năm 1978, tiến sĩ vật lý công tác tại Trường Đại học Công nghệ Malek-Ashtar ở Tehran, thủ đô Iran, đột nhiên “mất tích”  hồi tháng 5-2009 trong một chuyến đi hành hương ở thánh địa Mecca, Ả Rập Saudi. Một năm sau, xuất hiện hai cuộn băng video nói về Amiri nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau.

Trong cuộn băng thứ nhất, một người rất giống Amiri tố cáo tình báo Saudi và Mỹ bắt cóc và tra tấn ông để moi thông tin về bí mật hạt nhân của Iran. Trong cuộn băng thứ hai, Amiri tuyên bố tự nguyện đào thoát sang Mỹ. Tháng 7-2010, Amiri đột nhiên xuất hiện ở Đại sứ quán Pakistan, đại diện quyền lợi của Iran tại Mỹ, xin hồi hương.

img

Cựu sĩ quan CIA Robert Baer. Ảnh: AP

Ngày 15-7, Amiri trở về Tehran và được nhiều quan chức chính phủ đón tiếp như một anh hùng. Ông khẳng định bị tình báo Mỹ bắt cóc, dụ dỗ giúp Mỹ tuyên truyền chống Iran và hứa tặng 50 triệu USD nếu định cư ở Mỹ. Tuy nhiên, theo nguồn tin cơ quan truyền thông Mỹ NPR, vài tháng sau, Amiri đã bị đem ra xét xử về tội phản quốc.

Có nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về trường hợp Amiri. Nhà khoa học này bị bắt cóc hay đào thoát sang Mỹ? Tại sao Amiri lại đòi về nước mà CIA không buồn ngăn cản để rồi bị xử tội phản quốc? Mỹ có trả công cho Amiri 50 triệu USD?

50 triệu USD có thể là một con số bị Amiri thổi phồng nhưng 5 triệu USD là có thật. Nhật báo The Washington Post (WP) được CIA xác nhận trước khi hồi hương, Amiri được trả 5 triệu USD do “có công cung cấp thông tin mật về chương trình hạt nhân Iran”.

WP dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Amiri không thể nhận được 5 triệu USD sau khi hồi hương vì Iran bị Mỹ cấm vận tài chính. Vị quan chức này có vẻ rất khoái chí: “Amiri về nước nhưng tiền thì ở lại. Chúng tôi có thông tin còn Iran có Amiri”.
Nhưng số tiền này hiện nay ở đâu, CIA có thu hồi được hay không thì các quan chức Mỹ không chịu nói. Đây là một tình tiết mà WP cho  là kỳ lạ nhất trong lịch sử cận đại tình báo Mỹ. Rốt cuộc Amiri là gián điệp hai mang của CIA hay của Iran? Nghi vấn này vẫn là nghi vấn.

Mất truyền thống

Vụ mất mát điệp viên ở Lebanon và Iran được một quan chức Mỹ đánh giá là chuyện bình thường bởi “gián điệp là một nghề đầy rủi ro, thỉnh thoảng cũng có bước lùi”.
Tuy nhiên, Robert Baer, cựu sĩ quan CIA cao cấp am hiểu tình hình Trung Đông, phát biểu trên kênh  truyền hình ABC News rằng thất bại vừa qua ở Lebanon và Iran không phải là cá biệt và còn hơn một bước lùi: “Làm mất cả một mạng lưới ở Tehran hay Beirut đó là một thảm họa”.
img

Shahram Amiri (giữa) họp báo tố cáo CIA bắt cóc ông ở Ả Rập Saudi. Ảnh: AFP

Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy thế hệ điệp viên mới đã quên hoặc không chịu học hỏi những phương pháp thu thập thông tin tình báo kiểu truyền thống. Theo ông Baer, sau cuộc chiến 10 năm ở Afghanistan và 8 năm ở Iraq, công tác phản gián của Mỹ đã “lậm” thói quen và cách làm của quân đội. 
Đó là thói quen hoạt động trong môi trường an toàn, ví dụ, sĩ quan CIA ngồi nhà điều khiển máy bay không người lái tìm và diệt địch ở xa cả trăm, cả ngàn cây số. Đây là một cách làm có  hiệu quả cao nhưng áp dụng vào việc tiếp xúc với cộng tác viên thì hỏng.

Năm nay, văn phòng CIA ở Beirut lạm dụng công nghệ hiện đại, phát cho cộng tác viên điện thoại di động chỉ để liên lạc với sếp CIA, sử dụng mật hiệu “Pizza” quá đơn giản để hẹn gặp cộng tác viên ở một quán ăn pizza. Theo ông Baer, “đó là chuyện không thể chấp nhận”.

CIA Beirut cũng bỏ qua truyền thống tuyển dụng người chặt chẽ, tuyển nhầm hai điệp viên Hezbollah làm “bể cả ổ” khiến hàng chục cộng tác viên CIA bị bắt. Chuyện này khiến người ta nhớ lại năm 2009, một điệp viên hai mang người Jordan được phép vào tận căn cứ CIA ở Afghanistan để gặp sếp và đánh bom liều chết giết luôn 7 đặc vụ CIA.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo