Theo thống kê của Cục Xuất bản (tính đến ngày 29-11), cả nước có 64 nhà xuất bản (NXB). Về lý thuyết, mỗi NXB có tôn chỉ mục đích và nhiệm vụ khác nhau nhưng không phải đơn vị xuất bản nào cũng “sống” được và hoàn thành đúng vai trò, chức năng của mình.
“Nhà cũ” đói, “nhà mới” cứ mọc ra
NXB làm sách nhỏ giọt thậm chí đóng cửa là hiện trạng có thực trong làng xuất bản nhiều năm qua. Các đơn vị làm sách chuyên ngành tồn tại được bằng sách đã là cả một nỗ lực. Chính những khó khăn này đã khiến cho không ít đơn vị chấp nhận kinh doanh dễ dãi.
Trong tình hình đó, một số đơn vị xuất bản mới cũng được thành lập. “Nhân sự thì thiếu trầm trọng, đội ngũ biên tập chưa có tay nghề, chưa kể việc bổ nhiệm lãnh đạo cũng luẩn quẩn. Thay vì sinh mới tại sao không tận dụng tình hình đó để quy hoạch lại các NXB đã có. Rõ ràng là càng có nhiều NXB thì càng khó quản lý đầu ra” - lãnh đạo một NXB có uy tín trăn trở.
Sách góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nên không thể buông lỏng quản lý. Ảnh: C.T.V
Ông Đinh Vạn Dũng, Giám đốc NXB Hồng Bàng - đơn vị “mới toanh” vừa gia nhập làng xuất bản - cũng thừa nhận rằng hiện nay NXB vẫn chưa có được đội ngũ biên tập chính thức. Sản phẩm đầu tiên - bộ truyện Cuộc chiến với hành tinh Fantom - vừa ra mắt và một số đầu sách sắp ra mắt phải nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ biên tập viên NXB Trẻ. “Chúng tôi vẫn đang sắp xếp nhân sự, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung cho các tác phẩm về Tây Nguyên, sách văn học cũng như các loại sách văn hóa lịch sử về vùng đất này. Chúng tôi xác định đường hướng trước mắt là tạo dựng được thương hiệu cho đơn vị, không làm sách dễ dãi” - ông Dũng khẳng định.
Dẫu vậy, sự ra đời của một số đơn vị xuất bản mới cấp địa phương, trực thuộc trường đại học vẫn chưa hứa hẹn trước được sự sôi động cho làng xuất bản. Không nói ra, nhưng những người trong làng xuất bản đều biết những đơn vị nào nỗ lực làm sách chân chính, đàng hoàng và những “tên tuổi” nào phải còng lưng xuất bản trong rệu rã hay làm ăn chụp giựt.
Nhân lực yếu, chất lượng yếu theo
Sẽ thiếu sót nếu không đề cập đội ngũ cán bộ đang làm việc trong ngành xuất bản hiện nay. Một thực tế mà những người làm xuất bản đều phải thừa nhận là lực lượng làm nghề trong ngành xuất bản rất mỏng. Không kể những đơn vị xuất bản có uy tín, đội ngũ biên tập viên tự trau dồi, nâng cao chuyên môn thì ở không ít NXB, những người lãnh đạo không thể xây dựng được đội ngũ biên tập chắc tay nghề đủ để làm “bộ lọc” đáng tin cậy.
Với những NXB tên tuổi, uy tín hoặc có sẵn kênh phát hành thì kinh doanh có phần thuận lợi. Nhưng vẫn còn rất nhiều NXB phải lệ thuộc vào đơn vị phát hành thì khổ sở khi phải xoay xở tìm đầu ra. Có đơn vị xuất bản một năm chỉ lời… 3 triệu đồng và một số đơn vị từng bị lỗ nặng lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Sự tăng vọt số lượng NXB nhưng thiếu định hướng và đội ngũ nhân sự thiếu chuyên nghiệp thì rất khó cho sự phát triển bền vững. Cần xem xét lại tiềm lực của các NXB hiện nay, phát huy đúng tiềm năng hoặc mạnh tay đóng cửa những đơn vị chỉ hoạt động hình thức để thay đổi diện mạo hoạt động xuất bản. Đó là chia sẻ thẳng thắn của nhiều nhà làm sách có tâm huyết hiện nay.
Số liệu từ Ban Tuyên giáo Trung ương tại hội nghị tổng kết hoạt động xuất bản trong 6 tháng đầu năm của toàn ngành cho thấy chỉ có 5 NXB thực hiện được trên 50% kế hoạch của năm. Còn lại không chạy theo nổi số lượng đầu sách đã đăng ký, có đơn vị nửa năm ra vài 3 cuốn cầm hơi thậm chí có nơi không xuất bản nổi một cuốn sách nào. |
Quản lý bất nhất, lỏng lẻo Thực trạng và những bất cập của ngành xuất bản đã tồn tại bao nhiêu năm qua nhưng mỗi cuộc hội thảo, hội nghị hiếm hoi của ngành cũng chỉ nêu hiện tượng, còn giải pháp thì thưa vắng và cũng gần như bỏ ngỏ. “Cái gốc là phải thay đổi quan điểm của toàn ngành, không thể hành xử cục bộ như việc yêu cầu thu hồi cuốn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông vừa qua. Ngay cả khi cuốn sách này có vi phạm đi chăng nữa thì sách cũng chỉ bị cấm lưu hành trên địa bàn TPHCM, còn các địa phương khác vẫn được phép phát hành (?).Qua vụ việc lần này càng thấy rõ sự bất nhất, lỏng lẻo trong cách quản lý lâu nay của ngành xuất bản” - lãnh đạo của một NXB nói. |
Bình luận (0)