Hội thảo giới thiệu đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 với các đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 29-11.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết khó khăn lớn nhất của đề án là thiếu đội ngũ giáo viên có chất lượng. Thói quen dạy ngoại ngữ từ trước đến nay là coi trọng ngữ pháp. Vì vậy, khi phải chú trọng cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) thì giáo viên rất khó đáp ứng. Thay đổi thói quen này cũng không dễ dàng.
Theo một khảo sát của Bộ GD-ĐT, trước năm học 2011 - 2012, chỉ có chưa đến 100 trong tổng số gần 150 giáo viên tiếng Anh tiểu học được khảo sát bảo đảm năng lực tiếng Anh (đạt trình độ B2, tương đương 500 điểm TOEFL). Chính vì vậy, sự giúp đỡ về đào tạo bồi dưỡng giáo viên, chương trình, sách giáo khoa cũng như các kinh nghiệm hướng dẫn kiểm tra, đánh giá về chuyên môn đối với đề án từ phía các đại sứ quán, tổ chức quốc tế là điều rất cần thiết hiện nay.
Hiệu trưởng nhiều trường tiểu học của Hà Nội chia sẻ rằng để triển khai việc dạy tiếng Anh, các trường đều phải ký hợp đồng với giáo viên bên ngoài do không có sẵn nguồn giáo viên được đào tạo bài bản ngay từ đầu mà phải tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Nguồn giáo viên này khá đa dạng, có người không có nghiệp vụ sư phạm nên không thể bảo đảm trình độ B2 như yêu cầu. Chính vì vậy, để giải quyết sự thiếu hụt giáo viên, Bộ GD-ĐT phải hạ chuẩn giáo viên từ trình độ B2 xuống B1 và yêu cầu các giáo viên này phải tự bồi dưỡng để sau một năm đạt trình độ B2.
Trước giải pháp về biên chế cho giáo viên, ông Hiển cho rằng khó khăn về lương, chính sách là khó khăn chung, biên chế do các địa phương giải quyết. Một số giáo viên chưa vào biên chế, trong quá trình triển khai đề án sẽ được tuyển dụng dần.
Ông Hiển cũng cho biết thêm là khi đề án được phê duyệt thì quy mô triển khai lớn hơn. Với nhận thức giáo viên là yếu tố quyết định đến chất lượng dạy học, Bộ GD-ĐT quyết định điều chỉnh chủ trương cũng như tiến độ thực hiện đề án theo phương châm vì chất lượng chứ không chạy theo quy mô. Chủ trương của Bộ GD-ĐT hiện nay là nơi nào có đủ điều kiện thì mới triển khai đề án, nơi nào chưa có thì tích cực chuẩn bị. Cụ thể, đối với bậc tiểu học, những nơi triển khai chương trình phải bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, giáo viên đạt trình độ ít nhất B1, tức trình độ 3.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên trong khi hiện tại các trường CĐ sư phạm chưa có mã ngành giáo viên tiếng Anh dạy bậc tiểu học, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ GD-ĐT đã xây dựng 8 trung tâm dạy ngoại ngữ cho 8 vùng với nòng cốt là các trường ĐH, CĐ có kinh nghiệm. |
Bình luận (0)