Dạy lý thuyết theo kiểu hàn lâm. Đó chính là “căn bệnh” của nhiều giảng viên hiện nay. Một giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM kể có giảng viên dạy môn thẩm định giá nhưng lại không biết thẩm định giá, như vậy làm sao có thể dạy học trò biết thẩm định giá? Ngoài thiếu thực tế chuyên môn, nhiều giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng tiếng Anh, tin học ú ớ, không đủ khả năng tiếp nhận kiến thức mới để truyền đạt lại cho học trò… Hậu quả là sinh viên ra trường sau 4-5 năm học ĐH vẫn mù mờ khi bắt tay vào công việc thực tế. Sau khi sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng, các doanh nghiệp thường phải tiếp tục đào tạo 2-3 năm nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc.
Giảng viên “lạc hậu” khi ít chịu đầu tư nghiên cứu khoa học, nếu có nghiên cứu khoa học thì các đề tài chưa mang tính ứng dụng cao, rất ít đề tài được doanh nghiệp sử dụng, do vậy ngày càng xa rời thực tiễn. Ngoài ra, cũng khó mà cải thiện được tình trạng này khi phòng thí nghiệm tại các trường ĐH còn thiếu thiết bị và công nghệ hiện đại, muốn tiếp xúc với các quy trình công nghệ mới của các doanh nghiệp thì giảng viên không đủ điều kiện khi các doanh nghiệp khư khư giữ “bí mật” công nghệ của riêng mình, nếu muốn nắm công nghệ của nước ngoài thì phải bỏ tiền mua. Nhiều rào cản khiến giảng viên xa rời thực tế, đó là chưa kể do các trường thiếu giảng viên, lương giảng viên thấp nên đa phần họ phải chạy sô liên miên, còn đâu thời gian đầu tư nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới.
Người thầy chính là người trực tiếp đào tạo ra các sản phẩm - là những cử nhân, kỹ sư tương lai, do vậy để tránh tình trạng sinh viên ra trường phải đào tạo tiếp thì giảng viên cũng cần phải tự đào tạo để nâng cao trình độ. Các chuyên gia về giáo dục ĐH cho rằng để không tụt hậu, giảng viên cần phải thường xuyên cập nhật kiến thức từ các tài liệu chuyên ngành và từ các kết quả nghiên cứu khoa học, sao cho nội dung gắn với kiến thức hiện đại và có tính thực tiễn; phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi theo hướng dành nhiều thời lượng cho thảo luận tình huống, thực tập nghề nghiệp; Việt Nam hóa các tài liệu giảng dạy nhằm mô phỏng các tình huống gắn liền với thực tiễn trong nước; khuyến khích khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên…
Bình luận (0)