Ngày 2-12, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) đã tổ chức phiên họp thường niên lần thứ 4, tại tỉnh Bình Dương.
Cấp bách lắm rồi!
Ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nhận xét: So về độ ô nhiễm chất lượng nước, lưu vực sông Đồng Nai không nặng bằng lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Thế nhưng, sông Đồng Nai hiện nay không chỉ gặp vấn đề về chất lượng nước mà còn nhiều vấn đề hết sức quan trọng khác như rừng đầu nguồn, chế độ dòng chảy... Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang đánh giá công tác bảo vệ sông Đồng Nai cấp bách nhất trong ba lưu vực sông lớn của Việt Nam (lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ- Đáy).
Do đó ông Quang lưu ý Ủy ban Sông Đồng Nai trong kế hoạch triển khai đề án bảo vệ sông Đồng Nai cần khắc phục tình trạng xung đột lợi ích cục bộ giữa các địa phương, vì lợi ích địa phương mình làm ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Sông Đồng Nai đang bị “vỡ vụn” vì “gánh” quá nhiều công trình thủy điện, thủy lợi
Trước đó, những nguy cơ của sông Đồng Nai đã được rất nhiều nhà khoa học cảnh báo. Theo TS Đào Trọng Tứ, một trong những chuyên gia theo đuổi thủy điện lâu năm của Việt Nam, mật độ thủy điện trên sông Đồng Nai rất dày, phần thượng và trung lưu của các dòng chính và chi lưu của Đồng Nai đã bị chia cắt hoàn toàn.
Trên dòng chính Đồng Nai: 14 thủy điện/420 km; sông La Ngà: 5 thủy điện/290 km sông, sông Bé: 6 thủy điện/350 km sông. “Sự “vỡ vụn” của dòng sông dễ dàng nhìn thấy”- TS Tứ nhấn mạnh. Ngoài việc góp phần làm xấu chất lượng nước sông Đồng Nai, sự “vỡ vụn” này khiến thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi là tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô.
Không phát triển thêm thủy điện
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai, cho biết Ủy ban Sông Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ xem xét không tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai, bởi lẽ sự phát triển quá ồ ạt các công trình này đang tác động tiêu cực, làm biến đổi chất lượng môi trường nước và các hệ sinh thái trong lưu vực sông.
“Dù giá đầu tư xây dựng công trình thủy điện thấp nhưng lại tác động đến hệ thống rừng, các tài nguyên quý giá, nhất là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo đã xuất hiện tình trạng khô kiệt kéo dài do biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chính phủ cũng đang hết sức cân nhắc về vấn đề này”- ông Quân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Lạng đề nghị vấn đề bảo vệ lưu vực sông cần phân chia nhiệm vụ rõ ràng đối với mỗi địa phương: Vùng tam giác kinh tế TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai cần tập trung xử lý ô nhiễm vùng đô thị (nước thải, rác thải…) nhưng các tỉnh đầu nguồn Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cần chú trọng đến độ che phủ rừng, điều tiết nước - vận hành giữa các thủy điện.
Chính vì vậy, trong chương trình giám sát năm 2012, Ủy ban Sông Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng báo cáo chuyên đề về quy hoạch điện VII trên lưu vực sông Đồng Nai, đánh giá tác động hệ thống thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai. Đồng thời chỉ đạo Bộ NN-PTNT xây dựng các báo cáo chuyên đề về công tác quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên và các vườn quốc gia trong lưu vực sông Đồng Nai.
Thận trọng với dự án thủy điện 6, 6A
Liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết bộ cũng hết sức thận trọng với hai dự án này vì chiếm đến 137 ha rừng của Vườn Quốc gia Cát Tiên và trên 200 ha rừng đặc dụng khác, đặc biệt có thể gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hiện nay bộ vẫn chờ chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ đánh giá mức độ ảnh hưởng của hai dự án đến môi trường. |
Bình luận (0)