Công nhân mua rau ở trước cổng KCN Tân Tạo - TPHCM. Ảnh: Thanh Nga
Gói ghém chi tiêu
Cùng tâm trạng ấy, nữ CN Trần Thị Duyên (Công ty Kollan - KCX Linh Trung 1) bộc bạch: “Đợt vừa rồi, công ty đã nâng lương tối thiểu lên 2,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm phụ cấp nhà trọ, xăng, chuyên cần… khoảng 750.000 đồng đến 850.000 đồng/người/tháng. Nói thật, mức thu nhập này chỉ người độc thân mới đủ sống, còn người có gia đình thì rất chật vật”.
Được tăng lương tối thiểu lên 2,5 triệu đồng/tháng song anh Nguyễn Đại Thạch, Công ty Organ Needle (KCX Tân Thuận), không lấy làm vui. “Với mức lương đó cộng thêm phụ cấp xăng, chuyên cần, tiền nhà khoảng 600.000 đồng/tháng thì cũng ổn. Nhưng giá cả ở KCX Tân Thuận đắt đỏ quá, vợ chồng tôi thuê một phòng trọ đến 1,5 triệu đồng/tháng và tiền nước đến 20.000 đồng/m3. Lương có tăng nhưng giá cả đắt đỏ như vậy, chúng tôi cũng không để dành được đồng nào”- anh Thạch thở dài.
“Đã nâng rồi nay không điều chỉnh nữa”
Tại cuộc họp giao ban về tình hình quan hệ lao động mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cơ sở cho biết không ít doanh nghiệp (DN) trả lương bằng mức tối thiểu. Thực trạng này khiến CN rất bức xúc, quan hệ lao động luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều nữ CN Công ty Dệt Song Tân rất bức xúc vì DN thông báo không tăng lương, dù mức lương cơ bản thấp hơn lương tối thiểu. CN Bùi Thị Dung cho biết: “Thấy các DN khác tăng lương mà công ty mình không nói gì, chúng tôi thắc mắc thì được trả lời là đã nâng rồi nên không điều chỉnh nữa. Trong khi đó, lương cơ bản của công ty hiện chưa tới 2 triệu đồng/tháng”. Bản thân chị Dung đã làm việc tại công ty 3 năm nhưng lương cơ bản tháng 10-2011 chỉ có 1,95 triệu đồng/tháng. Chính vì lương thấp, chị và nhiều CN khác phải tăng ca liên tục, có hôm đến 22 giờ mới về; đến nỗi tiền tăng ca tháng 10-2011 của chị Dung còn cao hơn cả lương cơ bản (khoảng 2,1 triệu đồng).
Tương tự là trường hợp của anh Trần Văn Thuật, đang làm việc cho Công ty Phúc Khang ở quận 6. “Đợt lãnh lương vừa rồi vẫn không có gì thay đổi. Mọi người thắc mắc thì phòng nhân sự giải thích mức lương của công ty đã bằng lương tối thiểu nên không được tăng nữa”- anh Thuật buồn rầu.
Chóng mặt với giá nhà trọ
Có thể nói, từ nhiều năm nay, niềm vui tăng lương của CN chưa bao giờ được trọn vẹn, bởi họ luôn đối diện với nỗi lo tăng giá. Tại Công ty Sản xuất nước tương Việt Tiến (KCN Tân Bình – TPHCM), khi công ty nâng mức lương tối thiểu từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 2,2 triệu đồng/tháng; cộng với phụ cấp nhà trọ, chuyên cần, tăng ca, mỗi tháng thu nhập của CN được hơn 3 triệu đồng. Nhưng vừa được tăng lương thì tiền nhà trọ cũng tăng lên. “Trước đây, tôi ở nhà trọ giá 800.000 đồng/phòng/2 người, nước 15.000 đồng/người, điện 3.000 đồng/KWh nhưng nghe tin tăng lương, chủ nhà trọ cũng tăng ngay tiền nhà lên thêm 100.000 đồng, tăng tiền nước thêm 5.000 đồng/người”- chị Nguyễn Thị Kiều Trang cho biết.
Ông Trương Văn Thống, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức - TPHCM: Lập đường dây nóng để giải quyết Qua 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, đã có 6.578/6.578 hộ kinh doanh nhà trọ đăng ký không tăng giá thuê phòng (đạt tỉ lệ 100%), chia sẻ khó khăn với 141.455 CN và người lao động nghèo. Các hộ hưởng ứng cuộc vận động đều được UBND quận miễn giảm một phần tiền thuế với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Hiện toàn bộ các phường trong quận đều lập đường dây nóng để giải quyết các bức xúc của CN về giá thuê phòng trọ. Nếu chủ trọ không làm đúng cam kết, CN cũng có thể đến UBND phường để trình bày, cung cấp thông tin, chúng tôi sẽ có biện pháp giải quyết.
V.Tùng ghi |
Bình luận (0)