Các nhà khoa học vừa lên tiếng cảnh báo rằng Iceland có thể chứng kiến vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong 100 năm qua bởi ngọn núi Katla cao 1.500 m đã thức giấc. Núi lửa Katla nằm ở phía Nam Iceland, lớn gấp nhiều lần so với núi lửa Eyjafjallajökull đã làm tê liệt giao thông hàng không châu Âu vào năm ngoái.
Núi lửa khổng lồ
Theo đài BBC (Anh), các nhà khoa học đã ghi nhận khoảng 500 chấn động xảy ra trong và xung quanh miệng núi lửa Katla vào tháng 11. Ông Ford Cochran, một chuyên gia về Iceland của đài National Geographic, cho biết: “Có rất nhiều hoạt động địa chất tại núi này trong thời gian gần đây. Điều này chắc chắn báo hiệu một vụ phun trào có thể sớm xảy ra”.
Núi lửa Katla được bao phủ bởi lớp băng dày. Ảnh: WWW.SKIMOUNTAINEER.COM
Các nhà khoa học tại Iceland đã giám sát chặt chẽ khu vực núi lửa Katla kể từ ngày 9-7, thời điểm một vụ phun trào nhỏ có thể đã xảy ra. Họ cho biết thêm rằng núi lửa khổng lồ này thức dậy sau mỗi chu kỳ 40-80 năm. Lần cuối cùng Katla phun trào xảy ra trong năm 1918 nên hiện nay nó có thể thức giấc bất cứ lúc nào.
Giáo sư Pall Einarsson, làm việc tại Viện Khoa học Trái đất thuộc Đại học Iceland và là người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu về núi lửa, nhận định: “Những gì xảy ra trong ngày 9-7 dường như đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ bất ổn mới của Katla. Không thể loại trừ khả năng xảy ra một vụ phun trào lớn hơn. Đã từng có nhiều đợt phun trào lớn của núi lửa này trước đây, trong đó một số đã gây ra thiệt hại không nhỏ”. Chẳng hạn như vụ phun trào của núi lửa Katla trong năm 1918 kéo dài 24 ngày, phá hủy mùa màng và giết chết gia súc trong vòng bán kính hàng chục km.
Hậu quả khôn lường
Hiện nay, theo BBC, nếu núi lửa Katla phun trào, tác động của nó đối với Iceland nói riêng và thế giới nói chung sẽ lớn hơn nhiều so với đợt phun trào của núi lửa Eyjafjallajökull gần đó vào năm ngoái. Chuyên gia núi lửa Andy Hooper của Đại học Công nghệ Delft (Hà Lan) nói với đài Sky News (Anh): “Nếu Katla phun trào, nó sẽ phun cột tro bụi cao hơn các núi lửa gần đây. Điều này có nghĩa là tro bụi sẽ tồn tại lâu hơn, ảnh hưởng đến người dân, nông trại và giao thông hàng không trong khu vực. Tác động của vụ phun trào đối với phần còn lại của thế giới sẽ tùy thuộc nhiều vào tình hình thời tiết thời điểm nó xảy ra”.
Tuy nhiên, đó có thể chưa phải là điều tồi tệ nhất. Miệng núi lửa Katla có đường kính 10 km, được bao phủ bởi một lớp băng dày đến 700 m. Việc Katla phun trào có thể làm tan chảy lớp băng này, dẫn đến những trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử Iceland. Lần phun trào năm 1918 của Katla đã làm sụp đổ những núi băng khổng lồ và cuốn chúng ra đại dương. Hoặc vụ phun trào năm 1775 của Katla đã tạo ra lượng nước bằng lượng nước của một số con sông lớn nhất thế giới cộng lại.
Dù vậy, chuyên gia núi lửa Andy Hooper cho rằng không dễ để dự báo được liệu Katla có phun trào hay không và thời điểm vụ phun trào diễn ra, nếu có. Trong khi đó, Văn phòng Khí tượng Iceland nhận định rằng không có mối đe dọa trước mắt nào từ Katla nhưng “tình hình có thể thay đổi đột ngột do cường độ hoạt động địa chất cao của nó”.
Núi lửa phun trào ở Indonesia Núi lửa Gamalama cao 1.715 m ở tỉnh Bắc Maluku, Indonesia đã phun dung nham và tro bụi vào cuối ngày 4-12. Theo hãng tin Reuters, vụ phun trào chưa gây ra thương vong nào nhưng buộc hàng ngàn người dân sống gần đó phải sơ tán. Sân bay tại thành phố Ternate, cách núi lửa 30 km, phải đóng cửa hôm 5-12. Lần phun trào gần đây nhất của Gamalama là vào năm 2003. |
Bình luận (0)