Nguyễn Minh Tuấn (21 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh - TPHCM) ngồi gục đầu trước vành móng ngựa, tay ôm mặt tránh ống kính của phóng viên cho đến khi tình thế đã “an toàn’’, Tuấn mới quay về phía sau tìm mẹ. Lúc này, chúng tôi đã có thể nhìn rõ mặt của anh ta: Gương mặt ngơ ngơ của một người có bệnh về thần kinh nhưng vẫn toát lên vẻ lành lạnh của một sát thủ tàn nhẫn.
Giết người chỉ vì miếng ăn
Tuấn ở cùng dãy nhà trọ với gia đình bé L.T.N (SN 2006). Dù đã 19 tuổi, Tuấn vẫn thích chơi với trẻ con trong xóm, trong đó có bé N. và hai anh của bé. Nhà ở gần nông trường trồng mía, Tuấn hay rủ đám trẻ con vào đó chơi. Người lớn ai cũng bận đi làm, không mấy khi để ý hoặc có thấy cũng chỉ nghĩ đó là chuyện bình thường. Cho đến khi bé N. bị Tuấn giết ngay tại nơi bé vẫn thường cùng Tuấn vào chơi.
Theo cáo trạng, chiều 29-9-2009, Tuấn mua 4 bịch bánh tráng ngồi ăn trước phòng trọ. Bé N. đến xin, Tuấn đưa cho N. một bịch. Ăn xong, bé N. giật một bịch nữa, Tuấn không nói gì, tiếp tục lấy bịch bánh tráng cuối cùng ăn nhưng lại bị bé N. giật luôn phần bánh còn lại. Tức giận, Tuấn nảy sinh ý định dùng dao chém bé N. Tuấn liền qua phòng trọ kế bên mượn con dao chặt mía rồi dẫn bé N. vào liếp mía gần mương nước phía sau dãy nhà trọ. Đang đi, bé N. bị vấp ngã, Tuấn đặt con dao xuống rồi dùng tay bịt miệng, mũi của bé N. cho đến khi bé không cử động, Tuấn bế bé đến gần mương nước... Bé N. tử vong sau 3 lần bị Tuấn bóp mũi, miệng và nhấn nước.
Theo bản giám định pháp y tâm thần của Phân viện Pháp y tâm thần Trung ương Phân viện phía Nam, trước, trong và sau khi gây án, Tuấn có bệnh rối loạn nhân cách thực tổn (sau chấn thương sọ não). Tuy nhiên, Tuấn gây án trong lúc tỉnh nên có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng hạn chế do bệnh sau chấn thương.
Cũng vì vậy, đại diện VKSND TPHCM đã đề nghị mức án từ 18 đến 20 năm tù về tội giết người đối với Tuấn. Bào chữa cho Tuấn, luật sư nói: “Bị cáo giết người bộc phát, không có chủ đích và không có sự kiểm soát. Trong vụ án này, chính gia đình của Tuấn cũng có một phần trách nhiệm vì quá thờ ơ với sự an toàn của gia đình mình cũng như của cộng đồng…’’.
Trách nhiệm của gia đình
Giờ nghị án, ngồi sau Tuấn một hàng ghế, chúng tôi dè dặt hỏi: “Vì sao Tuấn làm vậy với bé N.?’’. Im lặng thật lâu, Tuấn đưa đôi mắt thảng thốt nhìn chúng tôi rồi quay mặt đi. Mẹ Tuấn nói: “Nó khùng mà. Bình thường nó cũng đi làm, nhưng thích thì làm, không thì nghỉ. Lâu lâu lên cơn, nó la hét, lấy dao đòi chém tôi... Hồi nó chừng 11 tuổi, bị tấm kiếng rớt trúng đầu, chấn thương sọ não nên khùng từ đó…’’.
Tôi hỏi mẹ Tuấn vì sao không khuyến cáo cho người dân ở khu vực quanh đó biết về tình trạng tâm thần của Tuấn. Bà lắc đầu: “Thì nhìn là biết nó không bình thường như người ta… Nhưng mà thiệt tình tôi cũng không ngờ nó lại làm như vậy…’’. Chồng chết, nhà không có để ở, suốt ngày, bà phải quần quật làm mướn để có cái ăn, cái mặc cho ba mẹ con; về đến nhà lại phải nhìn sắc mặt Tuấn buồn - vui mà sống. Bây giờ nghe nói đến việc con bị bệnh tâm thần, làm mẹ phải giám sát chặt chẽ mọi hành vi của con, dường như bà vẫn còn mù mờ, chưa nhận thức rõ điều đó là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa hậu họa cho cộng đồng và xã hội.
Nghe tòa tuyên mức án 15 năm tù dành cho Tuấn, cha bé N. phẫn nộ: “Nó đã thành niên rồi, giết trẻ em mà mức án như vậy là quá nhẹ’’. Không nóng nảy như chồng, mẹ bé N. chỉ thở dài nói: “Tôi không biết án nặng, nhẹ là sao, chỉ mong tòa xử cho công bằng. Con tôi đã chết rồi. Còn Tuấn sau khi ra tù, liệu có tiếp tục làm hại người khác vì bệnh tâm thần…?’’.
Sự lo lắng của người phụ nữ chân quê ấy không phải không có cơ sở khi thực tế người mắc bệnh tâm thần gây án để lại những hậu quả nặng nề đang là chuyện nhức nhối trong cộng đồng xã hội.
Bình luận (0)