Về lý do đồng ý để 3 ngân hàng trên hợp nhất, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian qua cả 3 ngân hàng đã mất khả năng thanh khoản tạm thời.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, 3 ngân hàng này đã vay ngắn hạn để cho vay trung và dài. “Khi thị trường biến động, nguồn vốn khó khăn thì ngân hàng mất khả năng thanh khoản tạm thời”, ông Bình nói.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn hợp nhất cùng 2 ngân hàng Đệ Nhất và Tín Nghĩa
“Quyết định chính thức về sự hợp nhất này có thể được đưa ra trong cuộc họp trong sáng nay (6-12) tại TPHCM”, ông Bình cho biết.
“Sự sáp nhập này cho phép 3 ngân hàng hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, tiết giảm chi chí khi sáp nhập 3 bộ máy thành 1 bộ máy; nâng cao năng lực quản trị, lựa chọn được cán bộ tốt nhất. Việc sáp nhập cũng giúp ngân hàng hợp nhất có tiềm lực lớn hơn, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN đã quyết định để Ngân hàng Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tham gia toàn diện vào hoạt động của ngân hàng mới sau hợp nhất.
“Ngân hàng nhà nước BIDV sẽ tham gia toàn diện trong mọi khâu hoạt động, từ tham gia HĐQT đến Ban Kiểm soát, các phòng ban của ngân hàng mới. Cùng với đó, BIDV sẽ đảm bảo thanh khoản và quyền lợi của các khách hàng ngân hàng”, ông Bình cho biết.
Theo Thống đốc, sự tham gia của một ngân hàng nhà nước vào quá trình sáp nhập 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và TMCP Sài Gòn sẽ giúp đảm bảo tính thanh khoản; ổn định kinh tế vĩ mô; trật tự kinh tế-xã hội trên địa bàn TPHCM cũng như trên cả nước.
Trả lời câu hỏi về quyền lợi của người gửi tiền và cổ đông, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết việc NHNN hỗ trợ thành khoản, đồng ý cho sáp nhập, chỉ định một ngân hàng nhà nước tham gia... không ngoài mục đích giúp ngân hàng mới hoạt động tốt hơn.
“Sự tham gia này sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền, quyền lợi của các cổ đông theo đúng quy định của pháp luật. Cổ đông, cổ phần đã mất vốn sẽ bị thay thế cổ đông mới hoặc nhà nước để đảm bảo ngân hàng mới không phá sản, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và tiếp tục phát triển đi lên”, ông Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, các khoản nợ của 3 ngân hàng sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật; cơ cấu lại nợ giữa tổ chức tín dụng này với tổ chức tín dụng khác cũng như với khách hàng.
“Ngân hàng này không phá sản”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Đây là 3 ngân hàng đầu tiên sáp nhập sau khi Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua cơ bản nhất trí với đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng cả nước.
“Thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, từ nay đến hết quý I-2012, sẽ hoàn thành việc đánh giá, phân loại các ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.
Bình luận (0)