Ngày 5-12, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chủ trì hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”. Rất nhiều thông tin về công tác phòng chống tội phạm trong năm 2011 đã được đưa ra phân tích, bàn thảo.
Ngày càng lộng hành
Một tên cướp (giữa, ở trần) bị người dân TPHCM bắt giữ sau khi giật giỏ xách
Trong khi đó, dù chỉ tăng 1,5% nhưng loại hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội lại rất đáng báo động vì tính chất nghiêm trọng. Nổi lên là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm 92%); tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, chuyên đâm thuê, chém mướn, bảo kê, đòi nợ thuê... Tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng được ghi nhận xảy ra trên 500 vụ (tăng hơn 68%) với hành vi gây án manh động và liều lĩnh. Tội phạm mua bán người có gần 400 vụ; chủ yếu lợi dụng xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở biên giới, kết hôn, cho nhận con nuôi để lừa bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.
Năm 2011, có hơn 2.200 vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, trốn thuế. Nhức nhối nhất có thể kể đến tình trạng khai thác than, khoáng sản trái phép xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc và nạn buôn lậu hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Chống tội phạm kiểu… thời vụ
Trách nhiệm của người đứng đầu ở mỗi địa phương trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nhiều lần được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập tại hội nghị. Ông Phúc nhấn mạnh: “Ở đâu để tội phạm lộng hành, nhởn nhơ, gây tổn thất cho nhân dân thì bí thư, chủ tịch UBND và thủ trưởng cơ quan công an địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Tuyệt đối không để tồn tại tình trạng dung túng, bao che, tiếp tay tội phạm”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, phòng chống tội phạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhưng nhiều địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, làm theo kiểu thời vụ! Phó Thủ tướng lưu ý cần tập trung giải quyết tốt từng địa bàn cơ sở (xã, phường, thôn, xóm, bản, làng...). Một khi đã xác định địa bàn trọng điểm về tội phạm, phải tập trung sức lực giải quyết dứt điểm, không thể để kéo dài. Lấy ví dụ cho sự làm gương của cán bộ, ông Phúc nói rằng chủ tịch UBND một địa phương mà có con tham gia đua xe trái phép thì vị đó nên từ chức.
Cuối hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, từ nay đến trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
Chỉ phát hiện 220 vụ tham nhũng Theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm tham nhũng còn rất phức tạp, song số vụ việc được phát hiện rất thấp, chỉ có 220 vụ trong suốt năm qua. Đây là lĩnh vực tội phạm có sự câu kết của nhiều loại đối tượng, phạm tội dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi. Trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình lớn phục vụ dân sinh đã bị rút ruột, để lại hậu quả nghiêm trọng. Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai chủ yếu ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, gây ra nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp.
Bình luận (0)