Bỏ ra gần 4 tỉ đồng mua căn hộ nhưng bà Phạm Thị Kim Anh, chủ căn hộ A1-6 chung cư Hưng Vượng, Phú Mỹ Hưng (quận 7 - TPHCM), đang phải chịu đựng… cực hình.
Bốn toilet trên đầu
Công ty Phú Mỹ Hưng đã cho một công ty xây dựng đến sửa chữa nhiều lần, thay thế một số thiết bị nhưng vẫn không khắc phục được sự cố trên. Tuy nhiên, với lý do đã hết thời gian bảo hành và thiết kế các căn hộ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên Công ty Phú Mỹ Hưng cho rằng không còn… trách nhiệm (!?). Bà Anh đã kiện chủ đầu tư lên tòa án quận 7 để đòi đổi nhà và bồi thường thiệt hại về những tổn thất vật chất, tinh thần lên đến hơn 400 triệu đồng.
Nói một đằng, làm một nẻo
Mới đây, khách hàng mua nhà tại chung cư Quốc Cường Gia Lai (quận 7 - TPHCM) cũng đã gửi đơn ra tòa để kiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà Quốc Cường về việc giao nhà trễ gần 2 năm, không chịu bồi thường do chậm bàn giao nhà, có dấu hiệu gian lận và chèn ép trong việc mua bán nhà với khách hàng, sử dụng vật liệu không đúng cam kết… Bà Cao Băng Ngọc, chủ căn hộ 301, cho biết hợp đồng quy định đến tháng 9-2009, chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng nhưng đến tháng 4-2011, công ty mới bàn giao. Hợp đồng có quy định nếu chủ đầu tư bàn giao nhà chậm sẽ phải chịu phạt 1,5%/tháng/số tiền khách hàng đã góp. “Tôi yêu cầu công ty phải bồi thường lãi suất do chậm giao nhà hơn 529 triệu đồng, tuy nhiên công ty cho rằng chỉ có thể bồi thường tối đa là 80 triệu đồng và hỗ trợ thêm cho hai cái… bồn cầu!” - bà Ngọc nói.
Nhiều phiền toái, bất tiện
Ngoài các nỗi khổ trên, cư dân sống tại các chung cư cao cấp còn chịu khổ về độc quyền cung cấp dịch vụ internet, truyền hình cáp, nước, điện… Tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khách hàng không được chọn dịch vụ của các nhà cung cấp khác ngoài những đơn vị do Phú Mỹ Hưng chọn. Ngoài dịch vụ truyền hình cáp chỉ có một đơn vị cung cấp các khoản chi tại đây hết sức đắt đỏ: điện 0,09 USD/KWh, nước 6.000 đồng/m3 (giá bên ngoài 4.000 đồng/m3)...
Bất đồng về tài sản chung, chất lượng dịch vụ kém Nhiều hộ dân tại chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) phải trả tiền thuê người cõng gas từ dưới đường lên nhà bởi ban quản lý (BQL) tòa nhà không cho mang gas vào thang máy vì sợ cháy nổ. Trong khi trước đó, mỗi hộ đã nộp 12,5 triệu đồng phí xây dựng hệ thống gas trung tâm. Cả khu nhà với gần 300 hộ dân nhưng không có chỗ nào để hội họp, sinh hoạt chung; không có khoảng không gian cho trẻ em vui chơi, người già tập thể dục nhưng BQL còn xây thêm tầng lầu để bán cho khách hàng nên cư dân đâm đơn kiện. Cùng cảnh công trình chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư đã cho người dân vào ở để thu tiền sớm là hàng trăm hộ dân tại chung cư cao cấp Keangnam (quận Từ Liêm - Hà Nội). Hiện nhiều hạng mục ở Keangnam vẫn chưa hoàn thiện và không đúng với những gì quảng cáo như tòa nhà 48 tầng với 900 căn hộ nhưng chỉ có một bể bơi rất nhỏ; phòng tập thể dục chỉ vỏn vẹn 4 máy tập chạy, 2 máy tập cơ; tường hành lang loang lổ, nấm mốc… “Phòng sinh hoạt chung chỉ rộng hơn 50 m2 mà phục vụ tới 900 hộ, tương đương với hơn 2.000 người thì đặt một ngón chân cũng không đủ” – nhiều cư dân tại đây ngao ngán. Hiện nhiều chung cư cao cấp đang có bất đồng về tài sản chung của tòa nhà như thang máy, chỗ để xe, nơi sinh hoạt chung giữa cư dân với BQL… Theo các cư dân chung cư Keangnam, hợp đồng mua bán nhà đã ghi rõ “Tài sản chung và tiện ích công cộng là diện tích cầu thang, hành lang, thang máy…” nhưng Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina – chủ đầu tư tòa nhà Keangnam - đã tự ý cắt dịch vụ thang máy khi chưa đạt được thỏa thuận về giá. Tại chung cư 93 Lò Đúc, chủ đầu tư bán diện tích để xe cho khối văn phòng, còn người dân thì phải để chen chúc nhau trong diện tích nhỏ hẹp. T. Dũng |
Kỳ tới: Loạn phí
Bình luận (0)